Đến nội dung

Hình ảnh

Những thế hệ đi cùng đất nước - Gs Hồ Tú Bảo


  • Please log in to reply
Chưa có bài trả lời

#1
Yeu Mua Thu Va Yeu Ha Noi

Yeu Mua Thu Va Yeu Ha Noi

    Lính mới

  • Thành viên mới
  • 1 Bài viết
Những thế hệ đi cùng đất nước
 
 

Thử lấy mùa Xuân năm 2012 này làm mốc để nhìn lại từng chặng 20 năm các thế hệ người Việt đang ở quãng tuổi 100, 80, 60, 40 và 20 trong 100 năm vừa qua, 100 năm nhiều máu lửa nhất trong lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, để thấy đất nước cần gì họ khi ở tuổi 20 và họ đã gắn đời mình với đất nước ra sao? Đâu là con đường tới giàu mạnh trong hàng chục năm tới?

 
Năm 1972, cách đây đúng 40 năm về trước, là năm của những sự kiện lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước: Cuộc chiến ở Quảng Trị và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần dẫn đến hiệp định Paris mùa Xuân 1973 và Tổng tiến công mùa Xuân 1975.   
 
40 năm trước ấy tôi tròn 20 tuổi. Những người lính tuổi 20 chúng tôi đi vào chiến trường như một lẽ  tự nhiên, lặng lẽ chia tay mẹ, chia tay người thân với “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” [1]. Máu lửa ở phía trước nhưng không ai chùn lòng. Rất nhiều người đã nằm lại trên những chặng đường giải phóng quê hương. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh, mang thương tật, vất vả mưu sinh. Nhiều người trở lại trường xưa sách đèn dang dở. Những binh nhất binh nhì tuổi 20 ngày ấy nay đều đã quanh tuổi 60, tóc đã điểm bạc, bâng khuâng khi “chớp mắt tuổi thơ đã thành dĩ vãng” [2].       
 
Thế hệ tuổi 100 bây giờ sinh ra vào những năm chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành lên tàu vượt biển đi tìm đường cứu nước. Họ đã lớn lên với những trăn trở về xứ sở đói nghèo và ngoại bang đô hộ, đã bâng khuâng đứng trước những ngả rẽ cuộc đời. Thế hệ này đã chứng kiến và có mặt trong bao gian truân của đất nước, đã đằng đẵng mang 30 năm chiến tranh đi gần nửa cuộc đời. Có những người trong họ khi 20 tuổi đã lập ra những chi bộ cộng sản, dẫn dắt đồng bào lật đổ chế độ phong kiến và đánh Pháp đuổi Nhật để giành độc lập. Đấy là thế hệ làm nên cách mạng Tháng Tám, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… 
 
Thế hệ tuổi 80 bây giờ sinh ra khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới, và họ có tuổi 20 khi đất nước bắt đầu cuộc chia cắt dằng dặc 20 năm. Những người lính quanh ngọn lửa bập bùng giữa núi đồi Việt Bắc, trên sóng trào nước xoáy Cửu Long hay giữa bạt ngàn rừng già Tây Nguyên, phần lớn là những chàng trai cô gái tuổi 20. Họ là thế hệ của kháng chiến chống Pháp, dù không chỉ 9 năm đánh Pháp mà họ còn bước tiếp vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ròng rã 20 năm. Như xưa phải “bắn Pháp chảy máu” để biết mà đứng lên, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và đánh phá đưa miền Bắc về  thời kỳ đồ đá, họ lại quật khởi tìm “đường chúng ta đi” của đất nước [3]. Và họ đã đi suốt chặng đường vất vả, gian lao ấy cùng đất nước, đi tới ngày đất nước thống nhất, khi đã bước sang nửa bên kia của cuộc đời.   
 
Thế hệ tuổi 60 bây giờ sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống Pháp với “rau và cải trồng trên đống tro tàn” [6], với mũ rơm đến trường hay hàng rào ấp chiến lược vây quanh suốt tuổi thơ. Họ có tuổi 20 khi khói lửa lan tràn khắp quê hương và cuộc chiến tranh cuốn họ vào như  điều không thể khác, dù ở miền Nam hay trên đất Bắc. Họ là thế hệ của chiến tranh chống Mỹ, một thế hệ có nửa chiến tranh có nửa hòa bình, có người bên này có người bên kia, có người ra trận có người đèn sách cho ngày xây dựng đất nước.   
 
Thế hệ tuổi 40 bây giờ sinh ra vào những năm quanh 1972, có người khóc tiếng chào đời bên dòng Thạch Hãn trong 81 ngày đêm của cuộc chiến thành cổ Quảng Trị hoặc dưới trời Hà Nội cháy khi Mỹ B52 Thủ đô, rồi lớn lên ngay sau khi đất nước liền một giải với bao gian nan thời hậu chiến. Họ là niềm hy vọng, là chắt chiu của từng gia đình từng dòng họ khi những mất mát dần nguôi ngoai và một thuở yên lành như đã bắt đầu sau dằng dặc 30 năm những cuộc kháng chiến. Họ cũng tuổi 20 khi hệ thống các nước Đông Âu tan rã, ngỡ ngàng những điều nhìn thấy nghe thấy. Những tài năng của thế hệ tuổi 40 được nuôi dưỡng trong hòa bình như Ngô Bảo Châu đang góp phần làm nên thế hệ của họ- thế hệ trụ cột của đất nước hôm nay. 
 
Thế hệ đang tuổi 20 sinh ra quanh năm 1990, lớn lên trong thời đất nước đổi mới, là những chàng trai cô gái thông minh, xinh đẹp, tự tin. Đất nước đã nhiều thay đổi trong 35 năm qua, nhưng để thoát khỏi cái “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên bằng người, vẫn là câu hỏi đầy thách thức. Chúng ta sẽ xây dựng đất nước trong những năm tới bằng cách nào? Và ai khác nữa sẽ đem đất nước đến tương lai ngoài những người đang tuổi 20? Họ là thế hệ sẽ xây dựng đất nước trong bốn thập niên tới.   
 
Thế hệ tuổi 20 sẽ được hưởng hay gánh chịu mọi thành bại của các thế hệ đi trước. Người đi trước có thể để lại cho tuổi trẻ sự mạnh mẽ và từng trải, truyền thống gia đình và dòng họ, ước mong gửi gắm cho đời con cháu, là chỗ dựa tin cậy cho tuổi trẻ về lẽ sống và tư cách… và hơn cả là con đường đi đúng để thế hệ sau tiếp bước. Người đi trước cũng có thể để lại cho tuổi 20 một đất nước tài nguyên cạn kiệt, những cánh rừng kẻ lạ đã thuê dài hạn, những cánh đồng bạc đất… ?
 
Tuổi 20 sẽ hoặc thờ ơ với vận nước chỉ lo cho mình, hoặc quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương, đi đến nơi khó khăn làm việc việc nghĩa, miệt mài học tập và sáng tạo ... ?
 
Chợt thầm những mong ước khi mùa Xuân tới. Mong các thế hệ người Việt sẽ cùng hướng về tương lai, góp phần dựng nước. Mong các thế hệ đi trước luôn xứng đáng với tuổi trẻ và thế hệ tuổi 20 sống một cuộc sống có ý nghĩa với đất nước, sẽ làm nên đất nước.
 
Trích dẫn: [1] "Chúng con chiến đấu", Nam Hà, 1966; [2] "Yêu", Nguyễn Duy, 1989; [3] "Đất nước đứng lên", Nguyên Ngọc, 1956 và "Đường chúng ta đi", 1965;  [4] "Em lớn lên", Phan Vân - Xuân Vũ, 1950;   
 

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Yeu Mua Thu Va Yeu Ha Noi: 07-02-2017 - 12:46





2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh