Đến nội dung

Hình ảnh

Vì sao ngày nay hầu như mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học là gì?


  • Please log in to reply
Chủ đề này có 17 trả lời

#1
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Trong những năm 1960 – 1970 trước đây ở miền bắc nước ta đã có nhiều đoàn các nhà toán học và sinh viên học toán về các xí nghiệp để đưa vận trù học vào thực tế, nhưng ngày nay hầu như mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học là gì nữa.  Đó là điều rất đáng buồn, vì thế chúng ta nên trao đổi xem tại sao lại có tình trạng này và cần tìm mọi cách để khắc phục.

Là người trước đây đã từng đi làm thử vận trù học ở xí nghiệp, tôi xin phép tóm tắt việc làm đó và nêu khó khăn cụ thể của xí nghiệp như sau:

Trước đây khi còn đang học trong Khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi và mấy bạn trong tổ Phương pháp tính của lớp dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Quý Hỷ đã 2 lần được phân công đến nhà máy Sắt tráng men nhôm Hải Phòng để thử nghiệm bài toán vận trù về cắt nguyên vật liệu (còn gọi là bài toán C).  Lần thứ nhất từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 1963, khi đó nhà máy cần cắt tôn cho khoảng 6 loại sản phẩm và mỗi tấm tôn chỉ cắt cho 1 loại sản phẩm nên có nhiều phần thừa phải bỏ đi, vì thế trước khi áp dụng bài toán chúng tôi phải vẽ ra nhiều cách để mỗi tấm tôn có thể cắt được nhiều loại sản phẩm xen kẽ nhau.  Khi giải bài toán cắt nguyên vật liệu chúng tôi phải giải hệ phương trình bậc nhất nhiều ẩn số mất rất nhiều thời gian, nhưng khi giải xong đối chiếu với tiêu chuẩn tối ưu thì vẫn chưa đạt yêu cầu nên lại phải giải hệ phương trình bậc nhất khác có nhiều ẩn số rất nhiều lần mà vẫn chưa xong.  Chúng tôi làm việc rất hăng say, nhiều hôm thức đến 1 giờ đêm mới đi ngủ.  Tôi thấy hàm mục tiêu của bài toán đã được học trong trường là phải tối ưu theo tỷ lệ sản phẩm, nhưng trong từng kỳ thì việc cắt tôn của nhà máy phải theo số lượng sản phẩm đã định trước, nếu có một sản phẩm được cắt nhiều hơn cũng không sao vì kỳ sau sẽ giảm bớt đi.  Nên tôi đã sửa lại hàm mục tiêu để chỉ cần giải vài hệ phương trình bậc nhất là đã cho tối ưu ngay.  Nhà máy đã cho thực hiện theo phương án mới này và đã tiết kiệm được trên nghìn tấm tôn. 

Lần thứ hai từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1964, thời gian này nhà máy cần cắt tôn cho 10 loại sản phẩm và chúng tôi đã giải bài toán theo cách làm năm trước.  Nhà máy đã cho thực hiện và đã tiết kiệm được 2.515 tấm tôn. 

Khóa luận tốt nghiệp năm 1964 của tôi đã trình bầy cụ thể về cách giải bài toán cắt nguyên vật liệu theo phương pháp mới trong đó có tiêu chuẩn tối ưu của bài toán đã đổi hàm mục tiêu này. 

Hiệu quả kinh tế rõ ràng như vậy nhưng nhà máy làm sao có người để giải hàng loạt phương trình bậc nhất nhiều ẩn số bằng máy tính quay tay, rồi đối chiếu với tiêu chuẩn tối ưu, nếu chưa đạt yêu cầu lại phải giải lại, quá trình đó phải làm đi làm lại nhiều lần mới xong.  Qua đó có thể rút ra kết luận là muốn nhà máy tự áp dụng được vận trù học thì phải có phương pháp giải rất đơn giản và nhà máy phải có người làm được dễ dàng các vấn đề này.

Sau khi tốt nghiệp đại học tôi được phân công về công tác tại Vụ Kế hoạch Tổng cục Lâm nghiệp.  Vụ đã giao cho tôi làm nhiều loại kế hoạch khác nhau trong đó có kế hoạch cơ khí.  Tôi đã xin phép Vụ cho xuống 2 nhà máy cơ khí trong ngành để áp dụng thử vận trù học. 

Khi xuống nhà máy cơ khí lâm nghiệp tôi sẽ phải giải bài toán về phân công máy (còn gọi là bài toán A), khi giải bài toán này cũng phải giải rất nhiều hệ phương trình bậc nhất nhiều ẩn số rồi đối chiếu với tiêu chuẩn tối ưu, hàm mục tiêu trong bài toán này đã học ở trường cũng là tối ưu sản phẩm theo tỷ lệ đã định trước.  Do có kinh nghiệm trong 2 kỳ đi làm thử vận trù học trước nên tôi cũng đã đổi lại hàm mục tiêu là tối ưu cho 1 loại sản phẩm còn các sản phẩm khác phải làm theo đúng kế hoạch.  Việc đổi lại hàm mục tiêu này đã dẫn đến cách giải rất đơn giản, không phải giải các hệ phương trình bậc nhất nhiều ẩn số mà chỉ cần lập bảng giống như cách giải bài toán vận trù về vận tải.  Nhìn vào bảng tính là có thể thấy ngay chỗ nào có các ô chọn (ô có sản phẩm) lập thành vòng và có thể phá vòng rất dễ dàng nhanh chóng bằng máy tính quay tay.  Mỗi lần phá vòng sẽ có thêm một ít sản phẩm.  Sau khi phá hết vòng chỉ việc đối chiếu với tiêu chuẩn tối ưu, nếu thấy đạt yêu cầu là đã giải xong. 

Cuối tháng 4 năm 1968 tôi xuống nghiên cứu số liệu về tình hình thực hiện tháng 4 của tổ tiện thuộc Nhà máy Cơ khí Lâm nghiệp 19 - 5 ở Đoan Hùng, Phú Thọ.  Sau khi loại hết các sản phẩm có số lượng ít, chỉ còn để lại 3 loại sản phẩm có số lượng nhiều nhất là quang sàn, bu lông sứ và bu lông bệ xe.  Tôi giải bài toán theo phương pháp mới cho kết quả là có thể tiện được thêm 55 bu lông bệ xe nữa trong điều kiện giữ nguyên năng suất lao động và tổng thời gian làm việc của từng công nhân không thay đổi. 

Giữa tháng 6 năm 1968 tôi xuống nghiên cứu phân tích số liệu thống kê của tổ tiện 1 thuộc phân xưởng cơ khí của Nhà máy Cơ khí Lâm nghiệp 19 - 3 ở Văn Điển, Hà Nội.  Tôi đã giải bài toán với 4 loại sản phẩm theo phương pháp mới, kết quả là đã giảm được 4.125 phút bằng 6,5% thời gian sản xuất cũ trong điều kiện giữ nguyên thời gian tiện từng sản phẩm của từng loại máy và tổng thời gian hoạt động của từng loại máy không vượt quá tổng thời gian đã thực hiện.  Sau đó tôi lại chuyển sang tổ tiện 2 của phân xưởng này.  Phương án đã thực hiện của tổ này hết 1.803 giờ 1 phút nhưng khi giải bài toán theo phương pháp do tôi nghĩ ra chỉ hết 1.556 giờ 31 phút, giảm hẳn 13,67% thời gian trong điều kiện giữ nguyên thời gian tiện từng sản phẩm cho từng loại máy.

Sau khi đã báo cáo các vấn đề này với lãnh đạo Vụ và trình bày cho toàn thể những người trong Vụ nghe trong một buổi chuyên đề, tôi đã viết bài: “Áp dụng vận trù học của bộ phận tiện trong xí nghiệp cơ khí lâm nghiệp”  để đăng trong Tập san Lâm nghiệp số 2 – tháng 2 năm 1969.  Trong bài tôi đã nêu 2 định lý mới là định lý về phá vòng và định lý về tiêu chuẩn tối ưu.  Sau khi bài đăng được khoảng 1 tháng, tôi được tin tổ Toán trong Vụ Phương pháp Kế hoạch hóa thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước muốn gặp tôi vì bài toán không có trong giáo trình.  Lên đó tôi đã giải thích đó là vì tôi đã đổi hàm mục tiêu nên đã có cách giải rất đơn giản và nhanh chóng như vậy.  Ông Nguyễn Xuân Trang – Quyền Vụ trưởng Vụ này, đã khuyên tôi nên về Uỷ ban.  Đây là dịp rất tốt để tôi quay lại với toán học nhưng tôi đã từ chối vì khi đó tôi đang có một số việc riêng cần giải quyết, Vụ Kế hoạch Tổng cục Lâm nghiệp tôi lại đang được lãnh đạo và những người trong Vụ rất quý mến nên tôi không muốn thay đổi cơ quan công tác trong lúc này.  Sau đó tôi đã quên những việc này từ lâu, nhưng năm 2019 do có việc liên quan đến vận trù nên tôi đã nghĩ lại các việc cũ.  Khi xem lại bài báo cũ đã đăng trên Tập san Lâm nghiệp từ đầu năm 1969, tôi nghĩ lại thời gian đó nếu tôi lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ được cùng các anh em trong tổ Toán của Vụ Phương pháp Kế hoạch hóa xuống mấy nhà máy lớn ở Hà Nội để làm những việc giống như tôi đã làm ở 2 nhà máy cơ khí lâm nghiệp, sau khi thử nghiệm xong và hướng dẫn cho cán bộ của nhà máy sử dụng thành thạo, tôi có thể xin lãnh đạo tạo điều kiện cho mở các lớp huấn luyện phương pháp rất đơn giản này, nhà máy nào còn lúng túng trong việc tính toán sẽ xuống giúp đỡ.  Sau đó nếu được các bộ, các ngành, các tỉnh đôn đốc các đơn vị cấp dưới thực hiện thì ngay từ năm 1970 phong trào áp dụng vận trù học về phân công máy sẽ phát triển rộng ra khắp Hà Nội và toàn Miền Bắc.

Liên hệ với tình hình hiện nay tôi thấy bài toán về phân công máy ngoài việc có thể sử dụng trong phân xưởng của một số nhà máy còn có thể mở rộng ra cho việc phân công sản xuất, phân công kinh doanh cho các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp và cũng có thể mở rộng ra cho những việc khác nữa, thí dụ như phân công làm những nhiệm vụ gì đó cho từng người, từng nhóm người hoặc từng bộ phận trực thuộc.  Thời đại phải dùng máy tính quay tay để tính toán đã qua từ rất lâu rồi, ngày nay máy tính có ở khắp mọi nơi và trên nó có bảng tính EXCEL rất thuận lợi trong việc tính toán.  Muốn áp dụng vận trù hoặc bài toán tối ưu vào thực tế sản xuất kinh doanh phải có cách giải rất dễ dàng nhanh chóng thì dần dần mọi người mới có thể tiếp thu và dần thấy toán học rất cần cho họVì thế tôi đã sửa lại bài toán một chút và giải nó ngay trên bảng tính EXCEL để chỉ cần người biết sử dụng bảng tính EXCEL và có file EXCEL của tôi là có thể tự giải bài toán rất dễ dàng.  Cụ thể như trong bài: "Bắt máy tính giúp người phân công sản xuất kinh doanh tốt nhất và trò chơi trí tuệ nhẹ nhàng" trên Diễn đàn tinhte.vn ngày 27/11/2022.  Ngày 09/02/2023 tôi lại đưa thêm trên Diễn đàn này bài: "Trò chơi trí tuệ nhẹ nhàng" để chỉ cần có máy tính thì ai cũng có thể chơi được trò chơi này và qua đó họ thấy dù tính toán kỹ đến đâu rồi sau đó chỉ cần bấm phím Tính toán là có kết quả tốt hơn rất nhiều, nhằm dần đưa mọi người gần với toán học hơn.

Trên đây là ý kiến của tôi qua việc đã một số lần áp dụng thử vận trù học, mọi người có thể có rất nhiều ý kiến khác để giúp cho việc áp dụng vận trù học và toán học vào thực tế sản xuất ở nước ta ngày càng tốt hơn.  Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người.

 



#2
perfectstrong

perfectstrong

    $LOVE(x)|_{x =\alpha}^\Omega=+\infty$

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 4996 Bài viết

Cháu đọc cả bài của bác vẫn không thấy chỗ nào bác giải thích cho câu mở bài: "vì sao ngày nay hầu như không ai hiểu vận trù học là gì".


Luôn yêu để sống, luôn sống để học toán, luôn học toán để yêu!!! :D
$$\text{LOVE}\left( x \right)|_{x = \alpha}^\Omega = + \infty $$
I'm still there everywhere.

#3
Nxb

Nxb

    Thiếu úy

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 681 Bài viết

Thông tin này hoàn toàn trái ngược với những gì mình thấy ở VIASM. Nếu bác không đưa ra được dẫn chứng là vận trù học không được áp dụng nhiều vào thực tế như những năm 1960 trong 48h tới thì mình sẽ xoá bài này để tránh lan truyền fake news.



#4
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Rất cám ơn bạn Nxb.  Xin trả lời bạn như sau:

- Đây là tôi kể lại những việc làm của cá nhân tôi từ cách đây gần 60 năm về trước.  Vậy nó hoàn toàn trái ngược với những gì bạn thấy ở VIASM như thế nào?

- Từ kinh nghiệm của bản thân tôi có thể rút ra kết luận là "muốn nhà máy tự áp dụng được vận trù học thì phải có phương pháp giải rất đơn giản và nhà máy phải có người làm được dễ dàng các vấn đề này" và "Muốn áp dụng vận trù hoặc bài toán tối ưu vào thực tế sản xuất kinh doanh phải có cách giải rất dễ dàng nhanh chóng thì dần dần mọi người mới có thể tiếp thu và dần thấy toán học rất cần cho họ".  Ý kiến của bạn thế nào?

- Vận trù học đã có ở nước ta từ hơn 60 năm về trước, đến nay nó đã lớn mạnh như thế nào?  Như vậy là nó phát triển nhanh hay chậm?

Rất mong nhận được câu trả lời của bạn.



#5
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Rất cám ơn bạn perfectstrong.  Xin trả lời bạn như sau:  Trước đây vận trù học nghe rất quen, nhưng ngày nay rất ít ai nói đến nó mà chỉ nói đến tối ưu hóa mà thôi.  



#6
Nxb

Nxb

    Thiếu úy

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 681 Bài viết

Rất cám ơn bạn Nxb.  Xin trả lời bạn như sau:

- Đây là tôi kể lại những việc làm của cá nhân tôi từ cách đây gần 60 năm về trước.  Vậy nó hoàn toàn trái ngược với những gì bạn thấy ở VIASM như thế nào?

- Từ kinh nghiệm của bản thân tôi có thể rút ra kết luận là "muốn nhà máy tự áp dụng được vận trù học thì phải có phương pháp giải rất đơn giản và nhà máy phải có người làm được dễ dàng các vấn đề này" và "Muốn áp dụng vận trù hoặc bài toán tối ưu vào thực tế sản xuất kinh doanh phải có cách giải rất dễ dàng nhanh chóng thì dần dần mọi người mới có thể tiếp thu và dần thấy toán học rất cần cho họ".  Ý kiến của bạn thế nào?

- Vận trù học đã có ở nước ta từ hơn 60 năm về trước, đến nay nó đã lớn mạnh như thế nào?  Như vậy là nó phát triển nhanh hay chậm?

Rất mong nhận được câu trả lời của bạn.

Cháu không phải trẻ con nên bác đừng có đánh lạc hướng kiểu như vậy bác ạ. Nếu đến mai bác vẫn không đưa ra được bằng chứng nào thì cháu sẽ xoá bài bác ạ.



#7
perfectstrong

perfectstrong

    $LOVE(x)|_{x =\alpha}^\Omega=+\infty$

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 4996 Bài viết

Rất cám ơn bạn Nxb.  Xin trả lời bạn như sau:

- Đây là tôi kể lại những việc làm của cá nhân tôi từ cách đây gần 60 năm về trước.  Vậy nó hoàn toàn trái ngược với những gì bạn thấy ở VIASM như thế nào?

- Từ kinh nghiệm của bản thân tôi có thể rút ra kết luận là "muốn nhà máy tự áp dụng được vận trù học thì phải có phương pháp giải rất đơn giản và nhà máy phải có người làm được dễ dàng các vấn đề này" và "Muốn áp dụng vận trù hoặc bài toán tối ưu vào thực tế sản xuất kinh doanh phải có cách giải rất dễ dàng nhanh chóng thì dần dần mọi người mới có thể tiếp thu và dần thấy toán học rất cần cho họ".  Ý kiến của bạn thế nào?

- Vận trù học đã có ở nước ta từ hơn 60 năm về trước, đến nay nó đã lớn mạnh như thế nào?  Như vậy là nó phát triển nhanh hay chậm?

Rất mong nhận được câu trả lời của bạn.

1. Tại sao bác không trả lời cho câu tiêu đề của bác Vì sao ngày nay hầu như mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học là gì mà lại đổ trách nhiệm về người đọc?

2. Theo trang wiki https://en.wikipedia...ations_research và kinh nghiệm bản thân cháu thì ngành OR thường tìm kiếm cực trị (min/max) của hàm mục tiêu, vậy thì nếu nói "ngành tối ưu" thì với người ngoài ngành cũng dễ hiểu hơn.
3. Cháu không ở Việt Nam nên không thể trả lời nhiều về tình hình ở đấy, nhưng cháu thấy hoạt động nghiên cứu của OR ở Việt Nam không hề ít.

Tiêu biểu như những sự kiện của VIASM (Viện nghiên cứu cao cấp về toán Việt Nam):

https://viasm.edu.vn...ogram-abstracts

https://viasm.edu.vn...mization-theory

https://viasm.edu.vn/en/hdkh/aol

https://viasm.edu.vn/en/hdkh/mma2019

Sự kiện ở các đại học:

https://mco2021.even...iv-lorraine.fr/

https://www.chaire-c...hop-fvtech-2021

https://www.chaire-c...hop-fvtech-2021

Và còn chưa kể những nhóm nổi bật bên mảng AI, cũng là một ngành trong OR, như:

https://institute.vi...aining-program/

https://www.linkedin...ngineering-jsc/

Có thể so với những nước phương tây thì chúng ta vẫn chưa bắt kịp, nhưng khó lòng mà nói Việt Nam chúng ta không nhiệt tình, năng nổ trong mảng này.


Luôn yêu để sống, luôn sống để học toán, luôn học toán để yêu!!! :D
$$\text{LOVE}\left( x \right)|_{x = \alpha}^\Omega = + \infty $$
I'm still there everywhere.

#8
Nesbit

Nesbit

    ...let it be...

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 2412 Bài viết

Anh em cần có thái độ cởi mở hơn, đặc biệt đối với bác canlevinh là một người đã cao tuổi (năm 1963 mà bác đã học ĐH Tổng hợp thì bây giờ chắc bác cũng đã gần 80 tuổi).
 
Bác đặt tiêu đề bài viết là "Vì sao ngày nay hầu như mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học là gì?", thì đó là đang tìm câu trả lời chứ không phải là đã có câu trả lời rồi để mà phải trình bày trong bài viết. Nếu thấy có gì không đúng thì anh em có thể đưa thêm thông tin để giúp bác tìm hiểu. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, dù mình có may mắn được học lên cao và được tiếp cận với nhiều nguồn trí thức, thì cũng có rất nhiều thứ mình không thể nào bì kịp được với bác, bao gồm kinh nghiệm sống và trải nghiệm thực tế (anh em ở đây có ai thử bước vào doanh nghiệp ở địa phương mình sống, hỏi họ xem áp dụng vận trù học thế nào chưa?). Rất có thể thực tế đúng là nhiều xí nghiệp nhỏ bây giờ không biết đến vận trù học thật, và theo Nesbit thì điều này không có gì bất ngờ (ở các doanh nghiệp lớn thì bắt buộc, vì nếu không thì chúng đã không "lớn" được).

 

Bài viết của bác có nhiều thông tin khá hay, ví dụ như:
 

Trong những năm 1960 – 1970 trước đây ở miền bắc nước ta đã có nhiều đoàn các nhà toán học và sinh viên học toán về các xí nghiệp để đưa vận trù học vào thực tế, nhưng ngày nay hầu như mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học là gì nữa.  Đó là điều rất đáng buồn, vì thế chúng ta nên trao đổi xem tại sao lại có tình trạng này và cần tìm mọi cách để khắc phục.

Nesbit tự hỏi bây giờ các trường còn tổ chức những hoạt động như vậy chăng? Anh em nào có thông tin xin nhờ chia sẻ thêm.

 

Cuối cùng xin phép trả lời một vài ý cho bài viết của bác canlevinh:

 

1. Việc cụm từ "vận trù học" trước đây rất quen theo cháu là do hoàn cảnh lịch sử bác ạ. Những năm 1960-1970 miền Bắc vừa kết thúc chiến tranh, đang xây dựng lại và nhà nước phát động phong trào thi đua sản xuất. Việc áp dụng vận trù học vào sản xuất cũng theo phong trào đó (như thầy Hoàng Tuỵ lúc về nước năm 1959 hay 1960 cũng chuyển ngành nghiên cứu từ giải tích sang tối ưu; mà rất có thể chính thầy phát động phong trào ứng dụng vận trù học vào sản xuất cũng nên). Như vậy thì ai cũng biết đến vận trù học.

 

2. Nói như vậy không có nghĩa là ngày nay vận trù học ít được ứng dụng hơn, mà chẳng qua là dưới hình thức khác. Như bác nói thì ngày xưa cần phải có người tính toán ở xí nghiệp, còn thực tế ngày nay thì những tính toán như vậy thường được tích hợp trực tiếp vào những phần mềm quản lí doanh nghiệp. Bác cũng đã viết một phần mềm bằng Excel vậy, nhưng phần mềm của bác thì có lẽ là đơn giản hơn rất nhiều so với những phần mềm trả phí mà nhiều doanh nghiệp đang dùng. Những doanh nghiệp rất lớn và đặc thù thì họ phải tự viết phần mềm riêng. Ví dụ như những công ty thương mại điện tử thì họ bắt buộc phải có phần mềm chuyên dụng để quản lí kho bãi, hoặc những công ty vận tải phải có phần mềm tối ưu về các chuyến chở hàng, v.v...

 

3. Việc ngày nay nhiều người nhắc đến "tối ưu hoá" thay vì "vận trù học" thì cháu thấy chẳng qua đó chỉ là xu thế trong cách dùng từ. Vận trù học đơn giản chỉ là tối ưu hoá áp dụng vào việc vận hành doanh nghiệp hay sản xuất. "Tối ưu hoá" nghe cũng có vẻ thân thuộc và dễ hiểu hơn đối với đại chúng ngày nay. 

 

 

Hàng năm ở VIASM có tổ chức một hội thảo về vận trù học, cháu nghĩ là sẽ có rất nhiều thông tin bổ ích đối với bác. Trang web của năm ngoái đây ạ: https://viasm.edu.vn/hdkh/vorn-2022


Không đọc tin nhắn nhờ giải toán.

 

Góp ý về cách điều hành của mod

 

 


#9
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Xin trả lời bạn Nxb như sau:

Bài của tôi là về làm thế nào để việc áp dụng vận trù học ở Việt Nam được tốt hơn, không phải là ở nơi nào khác trên thế giới.  Câu trả lời của tôi và hỏi lại bạn cũng là về áp dụng vận trù học ở Việt Nam.  Không biết tại sao bạn lại viết: "Cháu không phải trẻ con nên bác đừng có đánh lạc hướng kiểu như vậy bác ạ".  Nếu bạn không biết gì về tình hình áp dụng vận trù học ở Việt Nam thì tốt nhất nên viết là không biết, không nên trả lời kiểu như vậy.



#10
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

- Bạn perfectstrong nên xem ý kiến trao đổi của bạn Nesbit.

- Bạn muốn tôi trả lời cho rõ về tiêu đề, tôi xin mượn ngay câu viết của người trong cuộc để trả lời bạn đồng thời nêu rõ các khó khăn khi áp dụng vận trù học ở Việt Nam hiện nay như sau:

Trước khi đưa bài: "Bắt máy tính giúp người phân công sản xuất kinh doanh tốt nhất và trò chơi trí tuệ nhẹ nhàng" lên Diễn đàn tinhte.vn, tôi đã gửi bản dự thảo đầu tiên lên Khoa Toán - Cơ - Tin học của Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.  Khoa đã chuyển bản dự thảo của tôi đến TS. Hoàng Nam Dũng, Trưởng Bộ môn Toán học tính toán và Toán ứng dụng.  Chúng tôi đã trao đổi với nhau trên thư điện tử, xin trích 1 đoạn do Tiến sĩ đã viết cho tôi ngày 25/09/2022 như sau:

"Cháu xin cám ơn bác về những thông tin về các bài toán bác đã từng giải. Có một dạo cháu thử tìm kiếm thông tin về phong trào áp dụng vận trù học vào thực tế những năm 60 và 70 nhưng cũng không tìm kiếm được nhiều câu chuyện cụ thể. Cháu chỉ biết rằng thời đó ứng dụng rất sôi nổi và có nhiều đoàn nhà toán học và sinh viên học toán về các xí nghiệp để đưa vận trù học vào thực tế.

Hiện nay đa phần mọi người không còn hiểu cụm từ vận trù học nữa. Các doanh nghiệp cũng vậy. Và cháu lại phải dùng từ tối ưu hóa để nói chuyện với họ. Cháu cũng thấy đáng tiếc vì điều đó. Có một thời ai cũng hiểu từ vận trù.

Cá nhân cháu thấy hiện tại làm việc với doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thuyết phục họ tin rằng toán học có thể làm gì đó. Khó khăn thứ 2 là thuyết phục họ sẵn sàng thử nghiệm. Có lẽ phải mất một thời gian dài nữa phong trào áp dụng toán học nói chung và vận trù học nói riêng mới lấy lại được một phần sôi nổi như đã từng xảy ra trong quá khứ."   

Người trong cuộc đã viết cho tôi như vậy đấy.  Bạn thấy thế nào?

- Bạn đã đưa ra một số nghiên cứu về vận trù học, nhưng chỉ nghiên cứu thôi vẫn chưa đủ, cái cần là đã áp dụng vận trù học ở đâu và kết quả ra sao?



#11
Nxb

Nxb

    Thiếu úy

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 681 Bài viết

Cháu nói thực là bác viết không có đầu có đuôi gì cả. Cháu không có thời gian để cố gắng đọc để hiểu ý của người khác, vì bác có dành thời gian của mình để giúp người đọc đâu để cháu dành thời gian cho bác ? 

 

Chủ đề này mình sẽ không xoá vì giờ có chứa các thông tin khác. 

Xin trả lời bạn Nxb như sau:

Bài của tôi là về làm thế nào để việc áp dụng vận trù học ở Việt Nam được tốt hơn, không phải là ở nơi nào khác trên thế giới.  Câu trả lời của tôi và hỏi lại bạn cũng là về áp dụng vận trù học ở Việt Nam.  Không biết tại sao bạn lại viết: "Cháu không phải trẻ con nên bác đừng có đánh lạc hướng kiểu như vậy bác ạ".  Nếu bạn không biết gì về tình hình áp dụng vận trù học ở Việt Nam thì tốt nhất nên viết là không biết, không nên trả lời kiểu như vậy.


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Nxb: 21-02-2023 - 15:07


#12
perfectstrong

perfectstrong

    $LOVE(x)|_{x =\alpha}^\Omega=+\infty$

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 4996 Bài viết

- Bạn đã đưa ra một số nghiên cứu về vận trù học, nhưng chỉ nghiên cứu thôi vẫn chưa đủ, cái cần là đã áp dụng vận trù học ở đâu và kết quả ra sao?

Cháu xin lỗi vì không hiểu ý câu tiêu đề của bác là câu hỏi thuần túy.

Tuy nhiên, nếu bác đọc lướt qua những sự kiện mà cháu đưa ra ở trên thì sẽ thấy những bài phát biểu và trình bày về áp dụng nghiên cứu của Vận trù học/Tối ưu hóa vào cuộc sống, nhất là ở Việt Nam.

Bản thân cháu làm trong ngành, cũng đã gặp các anh chị các thầy cô làm việc ở Việt Nam về mảng này và đưa vào trong thực tiễn, nên cháu tin là OR vẫn phát triển ở nước ta.


Luôn yêu để sống, luôn sống để học toán, luôn học toán để yêu!!! :D
$$\text{LOVE}\left( x \right)|_{x = \alpha}^\Omega = + \infty $$
I'm still there everywhere.

#13
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Rất cám ơn bạn perfectstrong.  Trong tranh luận các ý khác nhau là chuyện bình thường.  Cái quan trọng là chúng ta cùng đồng lòng chung sức để đưa toán ứng dụng và toán học nói chung của nước ta ngày càng tiến nhanh.  Việc nghiên cứu toán ứng dụng và đưa các thành quả đó vào thực tế là rất cần cho mọi người và cho việc phát triển kinh tế của đất nước.  Tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp thấy toán rất cần thiết cho việc sản xuất kinh doanh của họ và chủ động đến tìm các nhà toán học để đặt hàng theo yêu cầu của họ.



#14
perfectstrong

perfectstrong

    $LOVE(x)|_{x =\alpha}^\Omega=+\infty$

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 4996 Bài viết

Rất cám ơn bạn perfectstrong.  Trong tranh luận các ý khác nhau là chuyện bình thường.  Cái quan trọng là chúng ta cùng đồng lòng chung sức để đưa toán ứng dụng và toán học nói chung của nước ta ngày càng tiến nhanh.  Việc nghiên cứu toán ứng dụng và đưa các thành quả đó vào thực tế là rất cần cho mọi người và cho việc phát triển kinh tế của đất nước.  Tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp thấy toán rất cần thiết cho việc sản xuất kinh doanh của họ và chủ động đến tìm các nhà toán học để đặt hàng theo yêu cầu của họ.

Các doanh nghiệp lớn thì họ đã có tầm nhìn xa từ đầu và biết được sự quan trọng của toán nói chung và OR nói riêng. Nên họ đầu tư rất nhiều vào mảng nghiên cứu này.

Cái khó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nguồn vốn và quy mô không lớn. Khi đó, câu chuyện "bỏ ra 100 triệu để cải thiện 5-10% chi phí sản xuất" sẽ không hấp dẫn mấy đối với họ.


Luôn yêu để sống, luôn sống để học toán, luôn học toán để yêu!!! :D
$$\text{LOVE}\left( x \right)|_{x = \alpha}^\Omega = + \infty $$
I'm still there everywhere.

#15
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Rất cám ơn bạn perfectstrong.  Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết: "Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động,".  Số lượng này rất lớn, trong đó các doanh nghiệp lớn chắc là chỉ chiếm một số lượng nhỏ, phần còn lại rất lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp nào chẳng muốn sản xuất kinh doanh cho thật tốt, họ rất cần các công cụ để làm việc này nhưng lại rất thiếu các thông tin cụ thể để họ làm theo.  Vì vậy Diễn đàn và bạn nên cố gắng sưu tầm để cho họ và mọi người biết toán tối ưu và toán ứng dụng nói chung đã giải quyết được những việc gì có thể phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trong đó nơi nào đã áp dụng các thành quả này và kết quả ra sao?



#16
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Bản thân tôi trong bài: "Bắt máy tính giúp người phân công sản xuất kinh doanh tốt nhất và trò chơi trí tuệ nhẹ nhàng" trên Diễn đàn tinhte.vn ngày 27/11/2022 đã ghi rõ cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai để dùng thử đến hết ngày 31/03/2023.  Ngày 09/02/2023 tôi lại đưa thêm trên Diễn đàn này bài: "Trò chơi trí tuệ nhẹ nhàng" đã ghi rõ cung cấp miễn phí vô thời hạn cho bất kỳ ai kể cả học sinh, sinh viên để chỉ cần có máy tính thì ai cũng có thể chơi được trò chơi này và qua đó họ thấy dù tính toán kỹ đến đâu rồi sau đó chỉ cần bấm phím Tính toán là có kết quả tốt hơn rất nhiều, nhằm dần đưa mọi người gần với toán học ứng dụng hơn.



#17
perfectstrong

perfectstrong

    $LOVE(x)|_{x =\alpha}^\Omega=+\infty$

  • Quản lý Toán Ứng dụng
  • 4996 Bài viết

Vậy ý bác là diễn đàn nên viết bài quảng cáo/giới thiệu các ứng dụng của toán tối ưu vào môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam?


Luôn yêu để sống, luôn sống để học toán, luôn học toán để yêu!!! :D
$$\text{LOVE}\left( x \right)|_{x = \alpha}^\Omega = + \infty $$
I'm still there everywhere.

#18
canlevinh

canlevinh

    Binh nhất

  • Thành viên mới
  • 29 Bài viết

Muốn các doanh nghiệp tin tưởng đưa toán tối ưu vào phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh thì họ phải biết toán tối ưu giải quyết được những vấn đề gì để họ tự cân nhắc xem những cái nào trong số đó có thể phù hợp với họ, nếu áp dụng thì sẽ đem lại những lợi ích gì?  Vì vậy việc đầu tiên là phải giới thiệu cho họ biết toán tối ưu đã giải quyết được những vấn đề gì ở Việt Nam và cả trên thế giới nữa, những nơi nào đã áp dụng và hiệu quả ra sao?






2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh