Đến nội dung

Hình ảnh

Chứng minh rằng $S_n=n$ với mọi $n\geq5.$

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 4 trả lời

#1
Leonguyen

Leonguyen

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 160 Bài viết

Trong một giải đấu bóng bàn nam có $n$ $(n\geq3)$ vận động viên tham gia, hai vận động viên bất kì thi đấu với nhau đúng một trận (không có kết quả hoà). Kết thúc giải đấu, mỗi vận động viên sẽ viết ra tên những đối thủ thua mình và tên những vận động viên thua một trong các đối thủ đó. Một vận động viên được gọi là vô địch tương đối nếu anh ta viết được tên của tất cả $n-1$ đối thủ còn lại. Gọi $S_n$ là số vận động viên vô địch tương đối nhiều nhất có thể.

a) Tính $S_3,S_4.$

b) Chứng minh rằng $S_n=n$ với mọi $n\geq5.$

 

P/s: các mod cho em hỏi ở phần tiêu đề các bài tổ hợp cần tóm tắt không ạ?


"Chỉ có cách nhìn thiển cận mới không thấy được vai trò của Toán học"

(Giáo sư Tạ Quang Bửu)


#2
nmlinh16

nmlinh16

    Trung sĩ

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 168 Bài viết

Ta gọi một “giải đấu” trên $n$ vận động viên là một cách gán thắng/thua cho từng trận đấu (trong tổng cộng $\frac{n(n-1)}{2}$ trận đấu).

Dễ dàng xây dựng giải đấu trên $3$ cũng như $4$ vận động viên sao cho có $3$ vận động viên vô địch tương đối. Do đó $S_3 = 3$ và $S_4 \ge 3$.

Để chứng minh $S_4 < 4$, ta xét một giải đấu tuỳ ý trên $4$ vận động viên.

  • Nếu có một vận động viên $a$ thắng cả $3$ trận thì các vận động viên còn lại không thể viết được tên $a$, nên họ đều không vô địch tương đối.
  • Nếu có một vận động viên $a$ thua cả $3$ trận thì anh ta không thể viết tên ai, nên không vô địch tương đối.
  • Trường hợp còn lại, mỗi vận động viên đều thắng đúng $1$ hoặc $2$ trận. Mà tổng số trận đấu là $6$ nên có đúng $2$ vận động viên chỉ thắng $1$ trận, gọi họ là $a$ và $b$ và giả sử rằng $a$ thắng $b$. Rõ ràng $a$ chỉ viết được tên của $b$ và người duy nhất mà $b$ thắng, nên $a$ không vô địch tương đối.

Tóm lại, không tồn tại giải đấu trên $4$ vận động viên mà cả $4$ đều vô địch tương đối, vậy $S_4 < 4$, hay $S_4 = 3$.

Tiếp theo, ta định nghĩa một “tam giác” là một bộ $3$ vận động viên $a,b,c$ mà $a$ thắng $b$, $b$ thắng $c$ và $c$ thắng $a$. Ta có nhận xét sau: một giải đấu có cả $n$ vận động viên đều vô địch tương đối khi và chỉ khi mỗi cặp vận động viên đều nằm trong một tam giác nào đó.

Từ nhận xét trên, ta chứng minh khẳng định sau: nếu $S_n = n$ thì $S_{n+2} = n+2$. Thật vậy, giả sử tồn tại một giải đấu $n$ vận động viên sao cho cả $n$ người đều vô địch tương đối. Ta thêm hai vận động viên mới là $a$ và $b$, và xây dựng giải đấu mới trên tất cả $n+2$ vận động viên này bằng cách quy định: $a$ thắng $b$, $b$ thắng tất cả $n$ vận động viên cũ, và tất cả vận động viên cũ thắng $a$. Dễ thấy lúc này, mọi cặp vận động viên đều nằm trong một tam giác nào đó, nên ta thu được một giải đấu với $n+2$ vận động viên đều vô địch tương đối.

Từ đó dễ thấy $S_n = n$ với mọi $n \ge 3$ và lẻ.
Ta cũng xây dựng được giải đấu với $6$ vận động viên đều vô địch tương đối, nên $S_6 = 6$, từ đó $S_n = n$ với mọi $n \ge 6$ và chẵn.


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi nmlinh16: 02-08-2023 - 22:20

$$\text{H}^r_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K, M) \times \text{Ext}^{3-r}_{\mathcal{O}_K}(M,\mathbb{G}_m) \to \text{H}^3_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K,\mathbb{G}_m) \cong \mathbb{Q}/\mathbb{Z}.$$

"Wir müssen wissen, wir werden wissen." - David Hilbert


#3
nmlinh16

nmlinh16

    Trung sĩ

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 168 Bài viết

Giải đấu trên $3$ vận động viên với $3$ người vô địch tương đối.

h1.png

Giải đấu trên $4$ vận động viên với $3$ người vô địch tương đối.

h2.png

GIải đấu trên $6$ vận động viên với $6$ người vô địch tương đối.

h3.png


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi nmlinh16: 03-08-2023 - 23:32

$$\text{H}^r_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K, M) \times \text{Ext}^{3-r}_{\mathcal{O}_K}(M,\mathbb{G}_m) \to \text{H}^3_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K,\mathbb{G}_m) \cong \mathbb{Q}/\mathbb{Z}.$$

"Wir müssen wissen, wir werden wissen." - David Hilbert


#4
Leonguyen

Leonguyen

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 160 Bài viết

Tiếp theo, ta định nghĩa một “tam giác” là một bộ $3$ vận động viên $a,b,c$ mà $a$ thắng $b$, $b$ thắng $c$ và $c$ thắng $a$. Ta có nhận xét sau: một giải đấu có cả $n$ vận động viên đều vô địch tương đối khi và chỉ khi mỗi cặp vận động viên đều nằm trong một tam giác nào đó.

Anh có thể nói kĩ về nhận xét được không ạ, nếu mỗi cặp vận động viên đều nằm trong một tam giác thì sẽ có cả $n$ vận động viên vô địch tương đối?


"Chỉ có cách nhìn thiển cận mới không thấy được vai trò của Toán học"

(Giáo sư Tạ Quang Bửu)


#5
nmlinh16

nmlinh16

    Trung sĩ

  • ĐHV Toán học Hiện đại
  • 168 Bài viết

Anh có thể nói kĩ về nhận xét được không ạ, nếu mỗi cặp vận động viên đều nằm trong một tam giác thì sẽ có cả $n$ vận động viên vô địch tương đối?

 

Nếu mỗi cặp vận động viên $\{a, b\}$ đều nằm trong một tam giác dạng ($a$ thắng $b$, $b$ thắng $c$, $c$ thắng $a$) hoặc ($b$ thắng $a$, $a$ thắng $c$, $c$ thắng $b$) thì $a$ viết được tên $b$ và $b$ cũng viết được tên $a$. Nếu điều này đúng với mọi cặp vận động viên thì mỗi vận động viên đều viết được tên của $n-1$ vận động viên còn lại, nghĩa là mọi vận động viên đều vô địch tương đối.

Ngược lại, giả sử một giải đấu có cả $n$ vận động viên vô địch tương đối. Xét một cặp vận động viên $\{a,b\}$ tùy ý. Ta có thể giả sử $a$ thắng $b$. Vì $b$ viết được tên $a$ tên tồn tại một vận động viên $c$ mà $b$ thắng $c$ và $c$ thắng $a$, vậy ta thu được tam giác $(a,b,c)$ chứa cặp $\{a,b\}$.


$$\text{H}^r_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K, M) \times \text{Ext}^{3-r}_{\mathcal{O}_K}(M,\mathbb{G}_m) \to \text{H}^3_{\text{ét}}(\mathcal{O}_K,\mathbb{G}_m) \cong \mathbb{Q}/\mathbb{Z}.$$

"Wir müssen wissen, wir werden wissen." - David Hilbert





2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh