Đến nội dung

Hình ảnh

Chứng minh rằng $T$ nằm trên đường tròn $pedal$ của điểm $P$ ứng với tam giác $ABC$.

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 3 trả lời

#1
hovutenha

hovutenha

    Hạ sĩ

  • Thành viên
  • 88 Bài viết

Cho tam giác $ABC$ nội tiếp $(O)$, trực tâm $H$, đường tròn $(E)$ là đường tròn $Euler$ của tam giác $ABC$. Hai điểm $T$ và $L$ trên $(E)$, $TL$ cắt $BC$ tại $D$, $HL$ cắt $(O)$ tại $K$. Điểm $P$ trên $AK$ thỏa mãn $PD$ vuông góc với $BC$. Chứng minh rằng $T$ nằm trên đường tròn $pedal$ của điểm $P$ ứng với tam giác $ABC$.

 

(Tam giác $pedal$ của 1 điểm $P$ ứng với tam giác $ABC$ là tam giác có 3 đỉnh là chân 3 đường cao từ $P$ xuống 3 cạnh tam giác $ABC$, đường tròn $pedal$ là đường tròn ngoại tiếp tam giác $pedal$.)

 

Hình học phẳng.png



#2
QuangDuong1201

QuangDuong1201

    Lính mới

  • Thành viên mới
  • 3 Bài viết
Cho tam giác $ABC$ nội tiếp $(O)$, trực tâm $H$, đường tròn $(E)$ là đường tròn $Euler$ của tam giác $ABC$. Hai điểm $T$ và $L$ trên $(E)$, $TL$ cắt $BC$ tại $D$, $HL$ cắt $(O)$ tại $K$. Điểm $P$ trên $AK$ thỏa mãn $PD$ vuông góc với $BC$. Chứng minh rằng $T$ nằm trên đường tròn $pedal$ của điểm $P$ ứng với tam giác $ABC$.
 
Trước khi đưa ra chứng minh, mình có nhiều lời bình luận về phát biểu của bài toán. Mình không thích cách phát biểu này, vì mấy lý do sau
  • trong phát biểu này, hai đối tượng điều khiển là $T$ và $L$, còn $P$, $D$, $K$ phụ thuộc vào $P$
  • $HL$ cắt $(O)$ tại $K$ không phải một phát biểu chặt chẽ vì đường thẳng và đường tròn có thể có nhiều nhất 2 hai giao điểm. Trong bài toán này, $K$ nên được định nghĩa là điểm đối xứng với $H$ qua $L$
  • Bài toán có thể được phát biểu lại để đối tượng điều khiển duy nhất là điểm $P$.
Mình phát biểu lại bài toán như sau (và thay đổi tên điểm)
 
Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn tâm $O$. $H$ là trực tâm của tam giác $ABC$. $P$ là một điểm không nằm trên đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$ và $P\ne O$.
$P_{a}$, $P_{b}$, $P_{c}$ lần lượt là hình chiếu vuông góc của $P$ lên các đường thẳng $BC$, $CA$, $AB$.
$T$ là cực trực giao (bạn đọc hay tra cứu với từ khóa orthopole) của đường thẳng $OP$ với tam giác $ABC$. $A_{p}$ và $A$ là hai giao điểm của $AP$ với đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$. $A'_{p}$ là trung điểm của đoạn thẳng $HA_{p}$.
Chứng minh rằng ba điểm $T$, $P_{a}$, $A'_{p}$ thẳng hàng.
 
Mình sẽ chứng minh không dùng và không phu thuộc hình vẽ. Ý tưởng của mình là sử dụng các định lý Fontene, các tính chất của đường thẳng Wallace-Simson và sử dụng góc định hướng.
 
Chứng minh. Trước khi đi vào phần chứng minh chính, mình nêu lại các tính chất, định lý kinh điển và không chứng minh lại.
 
Định lý 1. $P, Q$ là hai điểm thuộc đường tròn ngoại tiếp của tam giác $ABC$ thì góc định hướng giữa hai đường thẳng Wallace-Simson $s(ABC, P)$ và $s(ABC, Q)$ của $P$, $Q$ với tam giác $ABC$ có tính chất sau
 
\[ (s(ABC, P), s(ABC, Q)) \equiv -\frac{1}{2}(\overrightarrow{OP}, \overrightarrow{OQ}) \pmod{\pi}. \]
 
Định lý 2. Trong một tam giác, đường tròn chín điểm là ảnh của đường tròn ngoại tiếp qua phép vị tự hệ số $\frac{1}{2}$ với tâm là trực tâm của tam giác đó.
 
Định lý 3. (Định lý Fontene thứ hai, định lý Griffith). Cho tam giác $ABC$ với tâm đường tròn ngoại tiếp $O$ và một điểm $P$ khác $O$. Khi đó đường tròn ngoại tiếp tam giác pedal của $P$ với tam giác $ABC$ đi qua cực trực giao của $OP$ với tam giác $ABC$ (điểm này cũng thuộc đường tròn chín điểm của tam giác $ABC$ và là điểm Anti-Steiner của đường thẳng $OP$ với tam giác có ba đỉnh là trung điểm ba cạnh của tam giác $ABC$).
 
Định lý 3 khẳng định rằng $T$ thuộc đường tròn chín điểm của tam giác $ABC$ và đường tròn ngoại tiếp của tam giác $P_{a}P_{b}P_{c}$.
 
Định lý 4. (sử dụng kí hiệu của bài toán trên) $A'$ là trung điểm của đoạn thẳng $BC$. Khi đó hai tam giác $APO$ và $TP_{a}A'$ đồng dạng cùng hướng.
Gợi ý chứng minh Định lý 4. Nếu hai đường thẳng $OP$ và $BC$ cắt nhau thì tâm của phép đồng dạng thuận biến tam giác $APO$ thành tam giác $TP_{a}A'$ là giao điểm của hai đường thẳng $OP$ và $BC$ (hãy sử dụng chứng minh của định lý Fontene thứ nhát). Ngược lại, nếu hai đường thẳng này song song thì tam giác $APO$ là ảnh của tam giác $TP_{a}A'$ qua một phép tịnh tiến.
Chứng minh cho các định lý Fontene và Định lý 3, 4 có ở https://www.academia...d_Cevian_Circle
 
Quay lại với bài toán. Mình kí hiệu $N$ là tâm đường tròn chín điểm của tam giác $ABC$, $AA_{1}$ là đường kính của đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$, và $A'$, $B'$, $C'$ là trung điểm của các đoạn thẳng $BC$, $CA$, $AB$. Mình sẽ chứng minh $(TA'_{p}, TA')\equiv (TP_{a}, TA')\pmod{\pi}$. Biến đổi góc định hướng dưới đây có thể chưa phải là gọn nhất.
 
Lưu ý rằng các điểm $T$, $A'$, $B'$, $C'$, $A'_{p}$ thuộc đường tròn chín điểm của tam giác $ABC$.
\[  (TA'_{p}, TA') \equiv \frac{1}{2}(\overrightarrow{NA'_{p}}, \overrightarrow{NA'}) \pmod{\pi} \text{(góc ở tâm và góc nội tiếp cùng chắn một cung)}   \]
Theo Định lý 2 thì
\[ \frac{1}{2}(\overrightarrow{NA'_{p}}, \overrightarrow{NA'}) \equiv  \frac{1}{2}(\overrightarrow{OA_{p}}, \overrightarrow{OA_{1}}) \pmod{\pi}  \]
Góc ở tâm có số đo gấp đôi góc nội tiếp cùng chắn một cung (định lý góc nội tiếp), do đó
\[   \frac{1}{2}(\overrightarrow{OA_{p}}, \overrightarrow{OA_{1}}) \equiv  (AA_{p}, AA_{1}) \equiv (AP, AO) \pmod{\pi} \]
Như vậy
\[  (TA'_{p}, TA') \equiv (AP, AO) \pmod{\pi}  \]
Theo Định lý 4, $(TP_{a}, TA') \equiv (AP, AO) \pmod{\pi}$.
Do đó $(TP_{a}, TA') \equiv (TA'_{p}, TA')\pmod{\pi}$, kéo theo $(TP_{a}, TA'_{p})\equiv 0 \pmod{\pi}$.
Điều này nghĩa là $T, P_{a}, A'_{p}$ thẳng hàng. $\blacksquare$

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi QuangDuong1201: 18-09-2023 - 19:40


#3
hovutenha

hovutenha

    Hạ sĩ

  • Thành viên
  • 88 Bài viết

.

 
Trước khi đưa ra chứng minh, mình có nhiều lời bình luận về phát biểu của bài toán. Mình không thích cách phát biểu này, vì mấy lý do sau
  • trong phát biểu này, hai đối tượng điều khiển là $T$ và $L$, còn $P$, $D$, $K$ phụ thuộc vào $P$
  • $HL$ cắt $(O)$ tại $K$ không phải một phát biểu chặt chẽ vì đường thẳng và đường tròn có thể có nhiều nhất 2 hai giao điểm. Trong bài toán này, $K$ nên được định nghĩa là điểm đối xứng với $H$ qua $L$
  • Bài toán có thể được phát biểu lại để đối tượng điều khiển duy nhất là điểm $P$.
Mình phát biểu lại bài toán như sau (và thay đổi tên điểm)
 
Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn tâm $O$. $H$ là trực tâm của tam giác $ABC$. $P$ là một điểm không nằm trên đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$ và $P\ne O$.
$P_{a}$, $P_{b}$, $P_{c}$ lần lượt là hình chiếu vuông góc của $P$ lên các đường thẳng $BC$, $CA$, $AB$.
$T$ là cực trực giao (bạn đọc hay tra cứu với từ khóa orthopole) của đường thẳng $OP$ với tam giác $ABC$. $A_{p}$ và $A$ là hai giao điểm của $AP$ với đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$. $A'_{p}$ là trung điểm của đoạn thẳng $HA_{p}$.
Chứng minh rằng ba điểm $T$, $P_{a}$, $A'_{p}$ thẳng hàng.
 
Mình sẽ chứng minh không dùng và không phu thuộc hình vẽ. Ý tưởng của mình là sử dụng các định lý Fontene, các tính chất của đường thẳng Wallace-Simson và sử dụng góc định hướng.
 
 

Cảm ơn bạn đã góp ý, lần sau mình sẽ chú ý cách phát biểu.

Thực ra bài này mình nhận ra khi tự giải định lí Đào về đường thẳng simson, lúc đó có gặp vướng mắc mới đăng bài nên phát biểu hơi lủng củng

Mình cũng biết về định lí Fontene, cực trực giao, và sau đấy mình cũng giải dc bài toán trên luôn, ý tưởng chung cũng giống bạn

Cuối cùng vẫn cảm ơn bạn đã quan tâm và giải bài toán trên.

 

Mình sẽ để lời giải của mình ở bên dưới (mình không thạo lắm về góc định hướng nên không sử dụng nó), các bạn khác có thể tham khảo.

Hình học phẳng 2.png


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi hovutenha: 17-09-2023 - 19:48


#4
QuangDuong1201

QuangDuong1201

    Lính mới

  • Thành viên mới
  • 3 Bài viết

Nhân đây mình có đôi lời về hình học phẳng và hình học phẳng Olympic.

 

@hovutenha Bạn nên tìm hiểu cách sử dụng góc định hướng. Thực lòng, đó không phải công cụ khó dùng, chỉ là bạn chưa thạo/quen. Bằng góc định hướng/đoạn thẳng định hướng, bạn có thể chứng minh không phụ thuộc hình vẽ (đâu phải lúc nào điểm này cũng nằm trong đoạn thẳng này, đâu phải lúc nào tia này cũng nằm giữa hai tia kia).

 

Hầu hết người học hình học phẳng/không gian đều cho rằng vẽ hình là việc phải làm. Thậm chí trong các kì thi, vẽ hình là điều bắt buộc. Có điều đó là vì nhiều người học bị phụ thuộc nhiều vào hình vẽ để phán đoán (thay vì nắm chắc giả thiết), và hình vẽ luôn tỏ ra là một công cụ hữu ích trong việc giải toán, đặc biệt là khi phải vẽ thêm yếu tố phụ. Khi bạn nắm rất chắc phát biểu của một bài toán hình học, bằng các công cụ định hướng, bạn có thể chứng minh mà không phụ thuộc/không cần hình vẽ nữa, giống như khi giải quyết một bài toán số học, giải phương trình, bất đẳng thức thì gần như chẳng bao giờ cần vẽ gì vậy. Tất nhiên là công việc chứng minh sẽ khó khăn hơn khi giả thiết nhiều (hay nói cách khác là hình rất rối).

 

Cái mà tất cả học sinh có thể thu được khi học hình học phẳng là kĩ năng lập luận và chứng minh toán học. Hệ tiên đề và các định lý hình học phẳng chính là nơi đầu tiên mà học sinh được làm quen với logic hình thức. Trong khi đó, khả năng tưởng tượng và óc quan sát không phải điều mà ai cũng có, và không phải ai cũng có thể luyện tập mà đạt được. Cái óc quan sát có thể được áp dụng trong hình học phẳng nhưng nó sẽ vô dụng nếu học những phân ngành khác của toán học, khi mà các đối tượng không thể trực quan hóa theo cách quen thuộc như trong hình học phẳng. Nhà toán học David Hilbert từng nói về các khái niệm nguyên thủy điểm-đường thẳng-mặt phẳng trong hình học Euclid rằng chúng có thể được coi là cái bàn, cái ghế, cốc bia. Điểm-đường thẳng-mặt phẳng là những thứ mà con người có trực giác mạnh về chúng. Nhiều học sinh, giáo viên toán, hay người nghiên cứu toán học nói chung thường chỉ trích cách dạy hình học phẳng Olympic ở Việt Nam vì hình quá rối. Kĩ năng lập luận, chứng minh toán học, logic hình thức đã không được chú trọng, thay vào đó, các đòi hỏi về tiểu tiết, kĩ thuật, năng lực trực giác và óc quan sát bị đẩy lên quá cao. Trong khi đó, kĩ năng lập luận và logic mới là thứ được sử dụng rộng rãi, không chỉ trong toán học, mà tất cả các ngành học.

 

Người học tốt hình học phẳng có thể vẫn kém khi tiếp cận toán học hiện đại (mình là một ví dụ đây) hoặc ngược lại, dù không học tốt hình học phẳng thì có thể bạn vẫn học tốt khi học ngành toán ở đại học, hay ngành khác (nói vui là hai mệnh đề "Bạn học tốt hình học phẳng hoặc hình học phẳng Olympic" "Bạn học tốt ngành nào đó ở đại học" có thể không tương đương). Hi vọng chia sẻ này sẽ có ích với những bạn nào thấy bản thân yếu hình học phẳng Olympic nói riêng (và toán Olympic nói chung) và đang có ý định học ngành toán khi vào đại học, và là lời cảnh tỉnh cho những bạn học tốt toán Olympic và đang muốn theo học ngành toán.


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi QuangDuong1201: 18-09-2023 - 20:38





2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh