Đến nội dung

Hình ảnh

"Quan trọng là tạo được niềm vui trong học tập"

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 2 trả lời

#1
inhtoan

inhtoan

    <^_^)

  • Thành viên
  • 964 Bài viết


Hình đã gửi


Đầu tháng 6, một buổi báo cáo kết quả nghiên cứu trong chương trình "Phát triển kỹ năng nghiên cứu toán cho học sinh năng khiếu toán ở bậc phổ thông trung học" của khối THPT chuyên Toán-Tin (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia HN) đã khiến cho những người tham dự thật sự bất ngờ.

Sự bất ngờ đầu tiên là tất cả tập thể tác giả của những báo cáo đều mới chỉ là học sinh lớp 10 đang học tại khối. Nhưng sự bất ngờ lớn hơn là những kết quả thu được của các em.
Để tìm được một kết quả có giá trị, dù rất nhỏ bé trong toán sơ cấp là rất khó. Chính vì vậy mà đọc kết quả nghiên cứu của các em với những đề tài như mở rộng bất đẳng thức China 2004, đường Conic và một số bài toán áp dụng, chứng minh bất đẳng thức bằng phương pháp phân tích bình phương S.O.S, áp dụng số phức trong giải toán tổ hợp, nguyên lý cực hạn... nhiều giáo sư của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các thầy giáo, phụ huynh - những người hàng ngày giảng dạy chăm sóc các em - cũng không ngờ được khả năng đặc biệt, sự tiến bộ trong từng ngày khi tham gia chương trình nghiên cứu này.

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, chủ nhiệm Khối chuyên Toán-Tin, cho biết:

- Có thể nói đây là một sân chơi trí tuệ nhất cho những tài năng toán học trẻ bởi những khả năng, tố chất cần thiết cho một nhà khoa học tương lai sẽ có nhiều cơ hội được rèn luyện, thể hiện: Các em được làm việc theo nhóm, được phát huy khả năng tự học tham khảo tài liệu tiếng Anh trên thế giới, được rèn luyện khả năng sáng tạo, tìm tòi kết quả mới. Đặc biệt là các em được thực tập cách làm việc của một nhà khoa học ngay từ khi còn rất trẻ. Báo cáo khoa học viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trình bày trên máy tính bằng tiếng Anh như một hội nghị quốc tế.

Việt Nam đứng top 10 thế giới về kết quả thi toán nhưng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này không được biết đến. Theo ông, đâu là khoảng cách giữa thi và nghiên cứu khoa học cơ bản? Việc hướng cho HS lớp 10 nghiên cứu khoa học, ông có đặt "tham vọng" quá sớm ở các em không?

- Nếu tính đến những giảng viên người Việt đang học tập và công tác tại nước ngoài thì người VN có những đóng góp không nhỏ trong các kết quả nghiên cứu khoa học về toán học. Còn ở VN vì có ít công trình nghiên cứu nên mọi người hay đề cập đến việc "có ý nghĩa" hay không. Thế nhưng việc nghiên cứu khoa học ở các nước chia làm hai ngạch: ra các kết quả lý thuyết và hướng thứ hai là kết quả ứng dụng thực hành.

Việc nghiên cứu ra "một cái gì đó" là khó nhất. phải tập từng bước, từ càng sớm càng tốt, và phải được đầu tư rất nhiều tiền của. Và một điều quan trọng nữa nằm ở vai trò của những người thầy: Thầy có nhiều công trình thì trò sẽ giỏi, thầy không có kết quả nghiên cứu khoa học thì trò cũng sẽ không có. Trong chương trình "Phát triển kỹ năng nghiên cứu toán" này, HS có những bài toán của mình bằng cách mở rộng những bài toán quốc tế như một nhà khoa học thực sự, có những đường mang tên mình như "đường thẳng A0", có phương trình của mình như "Phương trình Pell"...

Xét về mặt toán học đây là cách khó nhất và cũng vinh quang nhất. Đương nhiên khi làm chương trình này, chúng tôi muốn gieo sự đam mê nghiên cứu trong các em. Còn việc phát triển khả năng để có những kết quả lớn hơn còn phụ thuộc nhiều yếu tố và điều kiện khác nữa trên còn đường học tập sau này của các em.

Vậy ông đánh giá thế nào về việc phát triển những tài năng toán học ở VN những năm vừa qua sau khi các em học hết phổ thông?

- Thực tế cho thấy chương trình toán lớp 12 khối chuyên toán khó hơn ở những năm đầu đại học. Điều này dẫn đến tình trạng ở trường phổ thông các em học rất tốt nhưng vào đại học nhìn chung HS lười đi vì học quá dễ. Nhiều trường ĐH hiện nay cũng đã xây dựng các chương trình cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng, các chương trình tiên tiến để thu hút những em có khả năng. Nhưng thực tế cho thấy, đối với HS chuyên, nhất là chuyên toán, thì sớm muộn gì các em cũng tìm cách đi du học. Thông thường các em dành năm thứ nhất ở ĐH để học thêm tiếng Anh rồi lên mạng tìm trường, tìm học bổng để đi.

Trong một cuộc hội thảo gần đây về toán học do Viện Toán tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng trong kế hoạch dài hạn để vực dậy nền Toán học Việt Nam đang "tụt hậu" (chữ dùng của GS Hoàng Tụy), rất cần xem xét và thống nhất quan điểm về trường chuyên, thay vì mở rộng tràn lan thì nên hoàn thiện lại hệ thống trường chuyên lớp chọn. Là một chủ nhiệm khối chuyên, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Nghĩ một cách đơn giản thì nhà nào cũng muốn con mình được học thầy tốt, trường tốt, còn vấn đề tên trường là chuyên hay chọn thực sự không quan trọng. Nhà nước nên ra chính sách phát triển càng nhiều trường tốt càng tốt. Không nên ngại mở trường tốt, trường nào không làm được thì đóng cửa. Việc phát triển cơ sở vật chất, nếu Nhà nước không làm được thì kêu gọi doanh nghiệp làm. Tiêu chuẩn quan trọng nhất là người thầy. Và quan trọng trong làm giáo dục là phải thật thà, thật thà trong mối quan hệ giữa thầy-trò, thầy-phụ huynh, nhà trường-xã hội.

Với quan niệm đơn giản "xây dựng một ngôi trường tốt", PGS Nguyễn Vũ Lương "hé lộ" những phương pháp giảng dạy đặc biệt được áp dụng trong ngôi trường là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh và phụ huynh đất Hà Nội, ngôi trường mà HS chỉ thích mặc áo có logo của trường và truyền nhau câu "khẩu hiệu": "Nghèo không phải là xấu, kém thì ngượng".

- Khối chuyên trường ĐH Quốc gia HN có thuận lợi là hay được tiếp đón các đoàn nước ngoài sang giao lưu, vì thế mà sớm được tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới. HS của trường là những em rất thông minh, có những thầy giáo có trình độ cao. Học trò của chúng tôi tự tin vì tin vào thầy. Thầy tự tin vì tin vào trình độ của mình, vào kho tàng kiến thức mình đã khai thác được.

Vì vậy đây là mảnh đất sinh sôi, nảy nở tài năng. Chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch: Năm sau sẽ cho HS lớp 10 của trường giao lưu với HS lớp 9 ở các trường phổ thông ở Hà Nội, gieo ước mơ cho các em chưa vào trường. Với khối lớp 10 sẽ hướng các em nghiên cứu như đã làm năm nay. Lớp 11 bắt đầu cho các em làm dự án. Và lớp 12, HS sẽ làm "thầy giáo".

Mọi người thường chỉ biết vào trường này rất khó chứ không hình dung "công việc" của một HS chuyên là như thế nào...


- Với những giáo viên và học sinh như ở trường hiện nay, thì việc dạy và học để được điểm cao khi đi thi ĐH thực ra... chả có ý nghĩa gì. Nhưng nếu không được như thế thì xã hội lại bảo là kém, làm hỏng "thương hiệu" của trường. Vì vậy, chúng tôi có tổ chức hai dạng lớp, là "lớp 30" và lớp cơ bản. "Lớp 30" còn có tên là "lớp thủ khoa".

Ở lớp này dạy và học một cách đặc biệt. HS của lớp được quyền chọn học cái các em thích và được học thầy các em thích. Bên cạnh đó là được luyện tập thi thử với đề thi khó hơn thi thật của Bộ gấp 2-3 lần, vì thực tế đã thi là phải luyện. Kết quả thi của các em cũng toàn 27-28 điểm. Còn ở lớp cơ bản, phải lưu ý đây là những HS cũng rất giỏi vì học sinh chuyên không có kém, thầy giáo dạy hệ thống lại kiến thức cho các em. "Lớp 30" được tổ chức linh hoạt, không hạn chế số lượng HS. Các em có thể vào học tuỳ nhu cầu và khả năng, không học nữa thì lại trở về lớp cơ bản.

Trong buổi báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là các em HS lớp 10 trình bày báo cáo bằng tiếng Anh rất thoải mái. Vậy đây là kết quả của việc học tập tự phát theo nhu cầu của các em, hay là định hướng của nhà trường? Nếu là định hướng, xin ông giải thích lý do.

- Có ngoại ngữ tốt, HS tự tin hơn, có thể khai thác, áp dụng được kiến thức thế giới. Hơn nữa cũng dung hoà được quyền lợi cũng như mong mỏi của phụ huynh muốn cho con đi học nước ngoài sau phổ thông. Do đó mà hiện nay ở trường đang thực hiện viết bằng tiếng Anh, nói tiếng Việt. Sau đó sẽ chuyển dần thành nói luôn bằng tiếng Anh.

Sau 1-2 năm nữa sẽ chuyển hẳn sang giảng dạy hoàn toàn môn chuyên bằng tiếng Anh. Các trường chuyên khác bình thường tháng 8 bắt đầu học nhưng cũng chỉ là dạy trước chương trình, học nặng hơn mà thôi. Riêng chuyên toán từ năm học tới sẽ làm khác, tháng 8 chỉ dành để học tiếng Anh. Các môn học chính sẽ hướng dẫn cho học sinh đọc sách.

Bộ quy định 1 tuần có 4 tiết tiếng Anh, các lớp chuyên có thêm 1 tiết tiếng Anh chuyên ngành. Nhưng trường bố trí thêm một tiết tiếng Anh nữa và tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Nhân đây, tôi cũng muốn"cảnh báo" các trường hiện nay đang sử dụng một đội ngũ giáo viên tình nguyện người nước ngoài để dạy tiếng Anh. Với kiểu dạy như hiện nay tiếng Anh sẽ chỉ là công cụ giao tiếp. Còn để dạy tiếng Anh hiệu quả người thầy phải truyền tải được tư duy thông minh qua ngôn ngữ, phải tạo được sân chơi để tiếng Anh gắn bó với các môn học khác.

Nội dung học khó hơn, ngoại ngữ học nhiều hơn, và còn phát triển thêm việc nghiên cứu khoa học. Học sinh trường chuyên liệu có bị quá tải, không thoát khỏi hình dung xưa nay "đầu to mắt cận"?

- Có một vấn đề hiện nay là đề thi, kể cả đề thi học sinh giỏi toán và nội dung chương trình học ngày càng dễ đi. Tại sao các nước lớn như Nhật, Hàn giàu mạnh như thế rồi mà trẻ con còn học nhiều đến thế, mà mình lại giảm tải, học ít đi? Quan trọng là tạo được niềm vui trong học tập. Cũng như việc nghiên cứu khoa học, sao lại không dạy trẻ nghiên cứu khoa học từ nhỏ?

Việc này làm cho cả giáo viên lẫn HS đều thấy giờ học sinh động. Nếu trân trọng các kết quả nghiên cứu của các em thì việc nghiên cứu sẽ không còn là gánh nặng nữa, mà là niềm vui, là sự đam mê. Trẻ con thông minh hơn thì phải làm sân chơi trí tuệ hơn cho các em. Còn với các hoạt động ngoại khoá như thể thao, văn nghệ, thì cứ đến mà xem HS khối chuyên chơi bóng, hát hò như thế nào...

Xin cảm ơn ông.


(nguồn:laodong.com.vn)



#2
namdung

namdung

    Thượng úy

  • Hiệp sỹ
  • 1205 Bài viết
Rất chia sẻ với thầy Lương.

Vừa rồi anh Nguyễn Khắc Thành, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT có gọi cho tôi và khoe về Hội nghị khoa học của các em khối A_0 và tặng tôi hai cuốn kỷ yếu. Cho dù chỉ là những nghiên cứu bước đầu, câu chữ còn "to be improved" (đặc biệt là phần tiếng Anh), nhưng thật đáng trân trọng và phát huy. Tôi nói với anh Khắc Thành và Thành Nam: "Các anh đã ủng hộ nên tiếp tục ủng hộ". Và trong Nam, tôi sẽ học tập thầy Lương để tổ chức hội nghị tương tự cho học sinh các trường chuyên phía Nam. Các bạn ủng hộ nhé.

#3
hoadaica

hoadaica

    Đại ca mafia Nga

  • Thành viên
  • 475 Bài viết
Việc tổ chức những "Hội thảo" như vậy ở Nga người ta đã làm rất lâu rồi, người ta không những làm cho một tỉnh, thành phố mà còn tổ chức cho cả một vùng, thậm chí cả nước; không những làm cho HS cấp 3 mà còn cho HS từ lớp 5 trở đi. Nếu làm được điều này để nhân rộng ra trên cả nước thì tuyệt vời. Có thể tố chức những popular lectures theo kiểu người Nga đã làm ...

Thông tin có thể tìm hiểu thêm tại đây: http://mmmf.math.msu.su/, hoặc http://www.mccme.ru/, hoặc http://www.ksu.ru/po...nee.php?id=5828.
Con cò bay lả bay la,
Bay một hồi mệt, ngồi la quá trời.




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh