Đến nội dung

Hình ảnh

Giáo sư Neal Koblitz

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 1 trả lời

#1
Lim

Lim

    Quét rác đêm

  • Hiệp sỹ
  • 858 Bài viết

Giáo sư Neal Koblitz - một người bạn lớn của Việt Nam


GS. Neal Koblitz đến từ trường đại học Washington, ông được nhiều người biết đến sau năm 1985 khi GS. Neal Koblitz cùng với TS. Victor Miller, một nhà khoa học của IBM, đã độc lập đề xướng kỹ thuật mật mã hóa công khai mới dựa trên các đường cong elliptics. Nhờ có phương pháp Elliptic Curve Cryptography (ECC) này mà rất nhiều các hướng nghiên cứu cũng như thương mại trong lĩnh vực mật mã đã được bùng nổ. GS. Neal Koblitz tốt nghiệp cử nhân toán học tại trường đại học Harvard và là Putnam Fellow năm 1968. Sau đó ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học Princeton năm 1974 dưới sự hướng dẫn của GS. Nick Katz. Hiện tại giáo Neal Koblitz đang công tác tại trường đại học Washington đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu mật mã ứng dụng thuộc trường đại học Waterloo, Canada.

GS. Neam Koblitz không chỉ dạy Lý thuyết số và công bố các bài báo khoa học ở những tạp chí toán học và mật mã học đầu ngành, ông còn được biết đến rộng rãi qua những hoạt động thúc đẩy khoa học và ủng hộ quyền bình đẳng nữ giới ở những vùng đất bị giới hạn và cấm vận bởi cuộc chiến tranh lạnh trong đó có Liên Xô, Cuba, Việt Nam, Nicaragua và El Salvador. Trong cuốn sách mới nhất xuất bản trên Springer cuối năm 2007 với tiêu đề : Random Curves : Journeys of a mathematician, GS. Neal Koblitz đã kể về cuộc sống nghiên cứu khoa học cũng như những hoạt động thúc tiến của mình ở nhiều vũng lãnh thổ trên thế giới mà ông đã từng đi qua và trải nghiệm. Chính từ cuốn sách này, nhiều người mới cảm thấy khâm phục và trân trọng tình cảm của GS. Neal Koblitz đã ưu ái dành cho Việt Nam, thông qua Viện toán học, qua quỹ Kovalevskaia và cho nền giáo dục của một đất nước gắn liền với hai từ " Chiến tranh"như trong cuốn tự sự của ông đã viết. Diễn đàn toán học xin được trích lại một đoạn từ 2 chương trong tổng số 16 chương của cuốn tự sự này, cũng với lời cảm ơn sâu sắc tới GS. Neal Koblitz - một người bạn lớn của Việt Nam .

Random Curves
Journeys of a Mathematician
Tác giả : Neal Koblitz, PhD (Princeton,1974)


Cuốn tự sự Random Curves kể lại những chuyến du lịch cùng với hoạt động thúc tiến khoa học của GS. Neal Koblitz qua những quốc gia như Liên Xô, Châu Mỹ La Tinh và Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác, nơi mà các hoạt động chính trị và các cuộc tranh luận hàn lâm có dính dáng tới nền giáo dục toán học của nước sở tại; đồng thời tác giả không ngừng đấu tranh, thúc đẩy quyền bình đẳng phụ nữ trong nghiên cứu khoa học tại các quốc gia này. Ý tưởng về cuốn Tự sự chỉ mới được hình thành sau khi trao đổi với GS. Scott Vanstone và GS. Ian McKinnon ở một bữa ăn tối tại Hội nghị mật mã năm 2006. Nhiều sự kiện, trải nghiễm mặc dù đã diễn ra từ hơn 30 năm trước song được lột tả lại một cách đầy đủ, chân thực, nguyên bản và vẫn mang tính thời sự, nóng hồi.

Lời giới thiệu

Chương 1: Early Years.
Chương 2:Harvard.
Chương 3: SDS.
Chương 4: The Army.
Chương 5: Spring of 1972.
Chương 6: Academics.
Chương 7: The Soviet Union.
Chương 8: Racism and Apartheid.
Chương 9: Vietnam. Part I.
Chương 10: Vietnam. Part II.

Chương 11: Nicaragua and Cuba.
Chương 12: El Salvador.
Chương 13: Two Cultures.
Chương 14: Cryptography.
Chương 15: Education.
Chương 16: Arizona.
- Mục lục


Chương 9 & 10 : Việt Nam

Ở những năm 60 cũng như nhiều nhà hoạt động phản đối chiến tranh khác, hai từ Việt nam trong suy nghĩ của chúng tôi là tên của một cuốc chiến chứ không phải là một quốc gia. Song nhận thức đó bắt đầu thay đổi khi tôi vào học cao học tại Princeton, đó là vào cuối năm 1969, ai đó đã treo trong khoa toán một bản báo cáo ngắn của Alexander Grothendieck từ chuyến thăm của ông vào tháng 11 năm 1967 tới miền Bắc Việt Nam. Trong hình học đại số, đó cũng là mảng nghiên cứu của tôi, cái tên Grothendieck là một biểu tượng toán học lớn của thể kỷ 20, ông chịu trách nhiệm cho việc phát triển " bộ máy" đại số trừu tượng ở đó mạnh mẽ đến nỗi có thể giải quyết được những khái niệm và cấu trúc hình học phức tạp nhất. Bản báo cáo của Grothendieck sau 3 tuần giảng dậy tại miền Bắc Việt Nam bằng tiếng Pháp là những ghi nhận đầu tiên về các sinh hoạt toán học của Việt nam đến được giới độc giả phương Tây. Ông trình bày nghiên cứu về lĩnh vực hình học đại số trừu tượng cho một số sinh viên toán học giữa giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, nhiều lúc lớp học của ông phải sơ tán do có báo động máy bay thả bom của Mỹ vào thủ đô Hà Nội. Ghi nhận đầu tiên trong báo cáo của ông đó là định lý "tồn tại một nền toán học ở Việt Nam." Sau 9 ngày tại "Viện toán", lớp học của Grothendieck đã phải sơ tán ra vùng ngoại ô, ở đây ông ghi lại cuộc sống và sinh hoạt cũng những nhà nghiên cứu trẻ của Việt nam trong giai đoạn khó khăn này, trong đó có GS. Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Hoàn. Báo cáo của Grothendieck kết luận với việc cho rằng các nhà lãnh đạo và nghiên cứu non trẻ khi đó cũng nhận thực được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học - kể cả những nghiên cứu cơ bản không trực tiếp tạo ra sản phẩm- không phải là những thứ dư thừa. Ông cũng có cái nhìn tích cực và hy vọng ngày hòa bình sớm diễn ra và khi đó những con người có tài có tâm sẽ xây dựng lại đất nước.

Báo cáo của Grothendieck đã làm thay đổi quan điểm của tôi, và lần đầu tiên tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước thực thụ với những con người như chúng tôi, cũng ham muốn học hỏi và nghiên cứu trong lĩnh vực toán học. Trong tôi hình thành suy nghĩ một ngày được đến và làm việc với những đồng nghiệp tại quốc gia này. Nhà toán học đầu tiên mà tôi gặp có mối liên hệ trực tiếp với Việt nam đó là một nhà hình học đại số người Pháp gốc Việt, GS. Lê Dũng Tráng. Ông ấy cần sự giúp đỡ để thực hiện hai dự án của mình để hỗ trợ các nhà toán học Việt Nam - đó là tập hợp tài liệu và vận động ủng hộ vật chất để tài trợ một số nhà toán học có thể đến tham dự Hội nghị toán học thế giới (ICM ) tại Vancouver Canada năm 1974. Khi GS. Tráng mở seminar ở Princeton, tôi đã có dịp gặp gỡ và ngỏ ý muốn được tới Việt Nam sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ của mình. Tháng 8 năm 1974, tôi tham dự ICM tại Vancouver và đã gặp gỡ hai nhà toán học Việt nam, một là GS.Lê Văn Thiêm- người đặt nền móng cho viện toán học Việt Nam, và người thứ hai là GS.Hoàng Xuân Sính, một người phụ nữ mà Grothendieck đã nhắc tới trong báo cáo của mình.

Ngay sau hội nghị ICM, đồng nghiệp của tôi là Ann ( sau này thành vợ của tôi) và tôi đã sang Moscow làm việc một năm, dự định của chúng tôi là đến Việt Nam trong khoảng thời gian cuối của đơt công tác. Trước khi rời Moscow, Lê Dũng Tráng đã giới thiệu với tôi một cậu nghiên cứu sinh Việt nam cũng học tập tại đó là Hà Huy Khoái, người này làm trong lĩnh vực lý thuyết số dưới sự hướng dẫn của GS. Manin. Lần đầu gặp Khoái, đó là vào mùa thu năm 1974, cảm nhận đầu tiên đó là một cậu sinh viên nhút nhát, mặc dù tiếng Nga của cậu ấy khá lên nhưng khả năng giáo tiếp vẫn còn bị hạn chế. Về sau tôi mới hiểu, các nhà chức trách của Việt Nam không muốn cách sinh viên của mình giao lưu với các sinh viên đến từ các quốc gia phương Tây; ngay cả với Liên Xô cũng bị giới hạn. Khi chúng tôi mở seminar cùng với Volodya, Anas và đám nghiên cứu sinh của Manin tại Zone V , dành cho học viên Mỹ, thì Khoái tham gia song không được thỏa mái. Nên chúng tôi đã chuyển địa điểm đến Zone B, mặc dù hơi bất tiện cho Ann vì cô ấy phải ăn uống xa phòng mình.

Giữa tháng 4 năm 1975, tôi có trao đổi với Khoái về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang diễn ra tại miền Nam Việt Nam, và nói rằng chiến thắng đang đến gần. Khoái cũng nói rằng cậu ấy cũng nhận được thông tin lạc quan từ đài phát sóng ở Việt Nam, tuy nhiên cậu ta và nhiều người khác vẫn cho rằng hy vọng đó là mong manh. Đúng 8 giờ sáng thứ Tư ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay cuối cùng trong một loạt 81 chiếc trực thăng đã rời Dinh Độc Lập, chấm dứt 21 năm tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ngày hôm sau tôi gặp Khoái, tôi chúc mừng cậu ấy về chiến thắng và nói rằng Ann và tôi đã từng dự định mở một bữa tiệc để chúc mừng 30 năm chiến thắng phát Xít và chiến thắng Việt Nam trước đế quốc Mỹ. Khoái nói rằng cậu ấy cần phải được sự đồng ý của cấp trên, và cậu ấy đã có được. Đó là lần duy nhất trong hai năm trời, từ năm 74 đến 75, cậu ấy đến phòng của chúng tôi.

Trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 1991, tôi đã 6 lần ghé thăm Việt Nam, đa phần giảng dậy tại Viện Toán và làm việc với những nhà khoa học như GS. Khoái, GS. Sính, GS. Diệu và GS. Châu. Năm 1983, sau khi trở về Seattle, tôi đã viết một bản báo cáo "Confidential Report"10 trang nói về những quan sát và trải nghiệm của mình về các vấn đề nhậy cảm trong hệ thống đào tạo, đặc biệt là nền toán học Việt Nam. Tôi đã gửi một bản báo cáo cho nhà vật lý Ed Cooperman tại Cal State Fullerton, người đã xây dựng một tổ chức mang tên US. Committee for Scientific Cooperation with Vietnam (USCSCV). Thông qua tổ chức này mà một số nhà khoa học của Việt Nam như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu đã được hỗ trợ ( đặc biệt là vấn đề visa) để sang thỉnh giảng và trao đổi nghiên cứu tại Seattle. Đặc biệt, phải kể đến đó là chuyến thăm đầu tiên của một nhà khoa học Việt nam từ Moscow đến Mỹ, đó là người bạn Hà Huy Khoái của chúng tôi. Mặc dù ban đầu khi chúng tôi gợi ý chuyến thăm này, vào năm 1978, thì cả cậu ấy và chúng tôi cũng nghĩ đó là một ý kiến "mạo hiểm đến điên rồ" bởi vì cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô là rào cản lớn nhất để các nhà khoa học từ Moscow bước chân tới Mỹ. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ và bảo trợ của Cooperman mà tháng Tư năm 1982, Khoái đã có được visa để vào nước Mỹ. Cậu ấy dành thời gian 2 tháng để thăm Seattle, Harvard, Princeton và New York, đồng thời tổ chức một số bài giảng về giải tích p-adic và làm việc tại các thư viện ở đây. Kỉ niệm có lẽ không thể nào quên đó là việc cậu ấy bị các thành viên quá khích của chế độ miền Nam tấn cống, mặc dù trong báo cáo cậu ấy diễn tả nó như là một tai nạn xe đạp để không làm những nhà khoa học khác phiền lòng khi đến thăm US tuy nhiên cậu ấy vẫn muốn cho tôi biết rằng, Cooperman đã không lường trước được mối đe dọa của các thế lực chống đối ngay tại nước Mỹ. Cậu ấy đã từng sống trong chiến tranh, đối mặt với những phi công đánh bom của Mỹ, nhưng cảm giác bị chính đồng hương của mình tấn công thì khó có thể diễn tả nổi.

Về sau tôi nhận thấy rằng bản báo cáo của mình đã đến được bàn của đại tướng Võ Nguyên Giáp, người khi đó làm chủ tịch hội đồng khoa học và công nghệ quốc gia. Tôi cho rằng báo cáo của mình không có nhiều hệ quá mấy, trừ trong lĩnh vực liên hệ tới Viện toán, như vấn đề thư viên và tài liệu. Tuy nhiên tôi đã viết với tinh thần đóng góp như những người bạn, ngay cả khi nó có hay không những ảnh hưởng tích cực, tôi nghĩ nó không làm hại điều gì cả. Mùa hè năm 1984, một vài tháng sau khi tác phẩm kể về cuộc đời của Sofia Kovaleskaia - nhà toán học nữ đầu tiên của Nga được xuất bản bởi vợ tôi là Ann, chúng tôi đã sử dụng tiền bán sách để thành lập nên quỹ và giải thưởng mang tên chính nhà toán học này, để tưởng nhớ Lovaeskaia và tôn vinh những nhà toán học nữ công hiến cho khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Ngày 13 tháng 10 năm 1984, tôi đã nhận được tin dữ từ Pat Gallagher báo rằng người bạn của tôi là nhà vật lý Ed Cooperman đã bị ám sát bởi một người tị nạn Việt Nam. Hoạt động của USCSCV trước do Ed gây dựng và tổ chức, nay hoàn toàn đảo lộn. Một số người trong hội đồng đã rời đi, để lại Judy Landinsky đảm nhiệm phấn lớn trách nhiệm quản lý. Ann và tôi cũng trở nên nặng gánh hơn khi tham gia điều hành nhóm hoạt động này. Khi tôi đến thăm Việt Nam, mỗi dịp Noel, tôi thường thấy Judy ở Hà Nội, thỉ thoảng Ann giúp cô ấy giảng dậy và hướng dẫn thi TOEFL; Judy là người bám trụ mạnh mẽ nhất trong công việc điều hành các dự án của Quỹ Kovaleskaia.

Sau quá trình bình thường hoa quan hệ Mỹ - Việt vào năm 1995, Ann và tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều tổ chức xúc tiến giáo dục và khoa học Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam và chúng tôi sẽ mất đi vai trò và vị trí của mình. Tuy nhiên lo ngại của chúng tôi là dư thừa bởi vì người Việt nam vẫn luôn giữ mối quan hệ với chúng tôi, họ luôn coi trọng lịch sử và gìn giữ các giá trị đoàn kết, thân hữu. Người Việt nam vẫn thường nói "Có tình, có nghĩa" để thể hiện sự gắn bó trước sau như một này.

-------------
Đọc thêm

1. Bài viết được lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh của hai chương: Chapter 9Chapter 10 trong cuốn sách Random Curves của GS. Neal Koblitz.

2. Bài viết mới mới nhất của GS. Neal Koblitz trên Mạng giáo dục và trang web Vietphd:
Ý kiến của GS. Neal Koblitz về bản báo cáo Vallely

3. Nếu bạn muốn xem cả 16 chương tiếng Anh của cuốn sách Random Curves, hãy gửi yêu cầu đến địa chỉ email : [email protected]

File gửi kèm



#2
namdung

namdung

    Thượng úy

  • Hiệp sỹ
  • 1205 Bài viết
Rất tuyệt, Lim. Mình có nghiên cứu đôi chút về Cryptography và đường cong Elliptic nên biết ông Koblitz này. Hôm trước dự hội nghị ở Huế có nói chuyện với GS Khoái và GS Trung, thấy GS Khoái nói về Koblitz với tình cảm rất trân trọng. Hôm nay đọc được bài này, biết thêm được những liên hệ của ông với toán học Xô Viết và toán học Việt Nam. Cảm ơn Lim nhé!




1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh