Đến nội dung

Hình ảnh

Định lý thặng dư Trung Hoa


  • Please log in to reply
Chủ đề này có 2 trả lời

#1
Zaraki

Zaraki

    PQT

  • Phó Quản lý Toán Cao cấp
  • 4273 Bài viết

Nguồn: mathvn.org



Định lí thặng dư Trung Hoa được coi là một trong những viên kim cương trong số học sơ cấp .
Đây có thể coi là một định lí quan trọng lí thuyết đồng dư ,trong bài viết này hi vọng trao đổi cùng bạn đọc một số ứng dụng của nó trong việc giải một số bài toán phổ thông.

I. Nội dung định lí và chứng minh
Định lí thặng dư Trung Hoa được phát biểu như sau: Cho $m_1,…,m_n$ là n số nguyên dương đôi một nguyên tố cùng nhau và $a_1,…,a_n$ là n số nguyên bất kì. Khi đó hệ phương trình đồng dư

$$x\equiv a_i \ (\mod m_i)$$
có nghiệm và nghiệm này là duy nhất theo mod $\prod_{i=1}^n m_i$.

Trước hết ta hãy nhìn lại vấn đề được đặt ra, có hai vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây: thứ nhất là tính giải được của hệ phương trình đồng dư này , thứ hai là tính duy nhất của nghiệm.
Bây giờ ta hãy tiếp cận bài toán, đương nhiên ta chỉ cần chứng mình cho trường hợp n=2, các trường hợp n>2 là hệ quả của trường hợp này (giải thích tại sao ? ). Có rất nhiều cách chứng minh bài toán này, dưới đây là một trong những cách thông dụng:

Trước hết ta sẽ chứng minh bổ đề sau:

Bổ đề
Cho hai số nguyên m và n sao cho $\gcd(m,n)=1$ khi đó luôn tồn tại x và y sao cho $mx+ny=1$


Chứng minh
Ta xét tập $\{1-mx\}$ ,do m và n nguyên tố cùng nhau nên ta có $\{1-mx\}$ chạy qua một hệ thặng dư đầy đủ mod n. Khi đó ắt tồn tại x sao cho $n \ | \ 1-mx$ , ta chỉ cần xét $y=\dfrac{1-mx}{n}$. Bổ đề Berzout được chứng minh xong

Hệ quả

Với mọi d nguyên luôn tồn tại u và v sao cho $d=mu+nv$.


*Bây giờ quay lại bài toán của chúng ta, theo lí thuyết đồng dư, tồn tại u, v sao cho:
$$x=a_1+m_1u, \ x=a_2+m_2v$$
Do đó ta chỉ cần chọn u và v thỏa mãn $a_1-a_2=m_2v-m_1u$ , điều này hiển nhiên theo bổ đề Berzout ở trên. Như vậy tức là tồn tại $x$ thỏa mãn hệ phương trình đồng dư trên. Phép chứng minh hoàn tất cho bài toán tồn tại nghiệm . Bây giờ ta sẽ chứng minh tính duy nhất của nghiệm

Thật vậy ta hãy xét hai nghiệm x và x' của hệ phương trình đã cho, khi đó ta có $x\equiv x' \ (\mod m_i) ,\forall i=1,…,n$

Do $m_i$ đôi một nguyên tố cùng nhau nên ta phải có $x\equiv x' \ (\mod m_1...m_n)$ , ta có khẳng định về tính duy nhất của nghiệm theo mod $m_1...m_n$ . Có một số chứng minh khác cho bài toán này, tuy nhiên tác giả vẫn thích cách dung này hơn vì nó vẫn có tác dụng cho định lí thặng dư Trung Hoa trong trường hợp tổng quát:

Cho $m_1,..,m_n$ là các số nguyên dương , $a_1,..,a_n$ là các số nguyên khi đó hệ phương trình đồng dư

$$x\equiv a_i (\mod m_i)$$

có nghiệm khi và chỉ khi $\gcd(m_i,m_j) | a_i-a_j ,\forall i\neq j $ .

Khi đó các bạn hãy liên hệ với định lí Berzout ở trên để tự tìm lời giải cho mình coi như là bài tập để hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề.

Nghiệm của phương trình đồng dư (1)

Nếu ta đặt $M=\prod_{i=1}^n m_i$ và $d_i=\dfrac{M}{m_i} $ ,hãy chứng minh rằng: với $x=\sum_{i=1}^n a_i (d_i)^{\varphi(m_i)}$ thì $\overline{x}$ là nghiệm của phương trình đồng dư đã cho.

Bây giờ ta quan tâm hơn đến việc ứng dụng của định lí Trung Hoa trong lí thuyết đồng dư.

Trước hết ta sẽ nêu lại một số khái niệm cơ bản:

Cho $P(x)$ là một đa thức hệ số nguyên, việc giải phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod n)$ là việc tìm tất cả các lớp $\overline{x}$ trong $\mathbb{Z}_n=\{\overline{0},\overline{1},..,\overline{n-1}\}$ mà thỏa mãn $n | P(x)$.

Chẳng hạn xét $P(x)=x^3-x$, khi đó phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod 3)$ có 3 nghiệm phân biệt là $\overline{x}=\overline{0},\overline{1}, \overline{2}$.

Tuy nhiên phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod 4)$ lại chỉ có 3 nghiệm $\overline{x}=\overline{1},\overline{x}=\overline{3},\overline{x}=\overline{0}$.

Định lí sau đây cho phép ta chỉ cần quan tâm đến việc giải các phương trình đồng dư với $n=p^a$ với $p$ là các số nguyên tố.

Định lý
Cho $n=\prod_{i=1}^r p_i ^{a_i}$, khi đó phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod n)$ có nghiệm khi và chỉ khi tất cả các phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod p_i^{a_i})$ (*) có nghiệm. Hơn nữa nếu gọi $N_i$ là số nghiệm của phương trình đó thì phương trình $P(x)\equiv 0 (\mod n)$ có đúng $N_1...N_r$ nghiệm.

Chứng minh
Chiều thuận của bài toán là hiển nhiên, bởi nếu tồn tại $x$ mà $P(x)\equiv 0 \ (\mod n)$ thì hiển nhiên x sẽ thỏa mãn tất cả các phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 (\mod p_i^{a_i})$.

Ta xét chiều đảo của bài toán, nhưng trước hết ta chú ý đến một tính chất đơn giản của đa thức hệ nguyên $a-b | P(a)-P(b)$.

Bây giờ ta tạm gọi $\overline{x_{p_i}}$ là 1 trong các nghiệm của phương trình đồng dư (*), theo tính chất trên ta chỉ cần xét sự tồn tại của x sao cho:
$x\equiv x_{p_i} (\mod p_i ^{a_i})$

Khi đó câu trả lời là tồn tại theo định lí Trung Hoa. Với ý tưởng này câu sau thực chất là hệ quả, với mỗi 1 cách chọn nghiệm trong $N_i$ nghiệm của các phương trình đồng dư ở trên lại cho ta 1 nghiệm duy nhất mod n , và hiển nhiên các nghiệm này phân biệt theo mod n (giải
thích tại sao ? ), từ đó ta có chính xác $N_1…N_r$ nghiệm . Phép chứng minh của ta hoàn tất .Như vậy như đã nói ,việc nghiên cứu nghiệm của phương trình đồng dư mod n ,có thể chuyển về nghien cứu nghiệm trong trường hợp n là lũy thừa của số nguyên tố , và từ đó có thể chuyển về nghiên cứu nghiệm trong trường hợp n là số nguyên tố dựa theo
kết quả sau:
Định lý
Giả sử phương trình đồng dư $P(x)\equiv 0 \ (\mod p)$ có k nghiệm $\overline{x_1},..,\overline{x_k}$ đồng thời $\gcd(P'(x_i), p)=1$ thì với mọi a nguyên dương phương trình $P(x)\equiv 0 \ (\mod p^a) $ cũng có đúng k nghiệm theo mod $p^a$.

Phép chứng minh của bài toán này dựa vào hệ quả của bổ đề Helsen sau, các bạn có thể tự chứng minh coi như bài tập:

Bổ đề
Với mọi x và h luôn tồn tại $r(x,h)$ sao cho: $P(x+h)=P(x)+hP'(x)+h^2 r(x,h)$

Áp dụng bổ đề này ta có thể chứng minh được bài toán theo quy nạp. Để hiểu rõ hơn định lí (1) ta sẽ đưa ra một ví dụ minh họa
Ví dụ
Cho n là số nguyên dương lớn hơn 1, hãy tính số nghiệm của phương trình đồng dư $x(x-1)\equiv 0 \ (\mod n) $.

Lời giải

Ta viết n dưới dạng phân tích thừa số nguyên tố $n=\prod_{i=1}^n a_i$. Khi đó theo định lí 1 ta sẽ quan tâm đến số nghiệm của phương trình đồng dư: $x(x-1)\equiv 0 \ (\mod p_i^{a_i})$ ,chú ý rằng $x$ và $x-1$ nguyên tố cùng nhau nên phương trình đồng dư này chỉ có 2 nghiệm $x \equiv 0 \ (\mod p_i ^{a_i})$ hoặc $x\equiv 1 \ (\mod p_i^{a_i}) $, từ đó theo định lí 1 phương trình này có tất cả $2^r$ nghiệm ,bài toán được chứng minh xong.


Ví dụ
Cho n là số nguyên lẻ có dạng $\prod_{i=1}^r p_i^{a_i}$. Khi đó xét a là nguyên bất kì và nguyên tố cùng nhau với n thì phương trình đồng dư $x^2\equiv a \ (\mod n)$ có đúng $\prod_{i=1}^r (1+{a\choose p_i}) $ trong đó ${a\choose p_i} $ là kì hiệu Legendre.

Lời giải

Theo tư tưởng trên ta chỉ cần quan tâm đến việc xét bài toán khi $n=p^a$, ta sẽ chứng minh rằng với mọi k phương trình $x^2\equiv a \ (\mod p^k)$ có đúng $1+{a \choose p}$ nghiệm.

Với k=1 thì kết của của bài toán là hiển nhiên , nếu a là số chính phương mod p thì phương trình đã cho có đúng 2 nghiệm, nếu a là phi thặng dư chính phương mod p thì hiển nhiên phương trình vô nghiệm. Vậy ta có kết quả bài toán .

Bây giờ ta hãy xét khi k>1 , hiển nhiên ta chỉ cần quan tâm khi mà a là số chính phương md p. Khi đó gọi $x_o$ là nghiệm của phương trình $P(x)\equiv 0 \ (\mod p)$ với $P(x)=x^2-a$ thì ta có $P’(x_o)=2x_o$ ,sẽ nguyên tố cùng nhau với p
khi p lẻ. Theo định lí (2) ta có kết quả bài toán cho trường hợp k>1 . Phép chứng minh của ta hoàn tất.



Đương nhiên bài toán này vẫn có thể giải được cho trường hợp n tổng quát , tuy nhiên phép chứng minh này khá dài vì phải chia 1 số trường hợp về lũy thừa của 2 , phần này xin dành cho bạn đọc coi như là một bài tìm hiểu nhỏ . Cuối cùng để hiểu hơn ví dụ 1 và ví dụ các bạn hãy thử sức vận dụng để giải bài toán sau đây:

**) Ta xét $S=\{k\in Z_n | k^2\equiv 1 (\mod n) \} . $ Hãy tính $\prod_{k\in S} k $ theo mod n .

*** ) Tổng quát của định lí Willson : Xét $T=\{k\in Z_n |\gcd(k,n)=1\}$ ,hãy tính $\prod_{k\in T} k $ theo mod n .

Có một gợi ý nhỏ cho hai bài toán này để các bạn tiện theo dõi:

Đầu tiên để ý rằng nếu k thuộc S thì n-k cũng thuộc S ,ta có thể phân S thành các cặp số $(k,n-k)$ và chú ý rằng tích các phần từ này đồng dư -1 mod n do $k^2\equiv 1 \ (\mod n)$ ,do vậy $\prod_{k\in S} k \ (\mod n) =(-1) ^{\dfrac{|S|}{2}} $ chúng ta quay lại ví dụ 1 . Tương tự trong T ta cũng chia thành các cặp "nghịch đảo" tuy nhiên cần lưu ý một số
phần từ mà nghịch đảo mod n của nó là chính nó, hay chính là thỏa mãn phương trình $k^2\equiv 1 \ (\mod n)$ và chúng ta phải quay lại xét tương tự ví dụ 1 với 1 chút rắc rối hơn …Ta tiếp tục với một ví dụ khá điển hình cho ứng dụng của định lí Trung Hoa:
Ví dụ
Cho $S=\{p_1,…,p_r\}$ là tập r số nguyên tố phân biệt ,và P là đa thức hệ số nguyên sao cho với mọi n đều tồn tại $p_i$ trong S sao cho $p_i | P(n)$ .Chứng minh rằng tồn tại i sao cho $p_i |P(n),\forall n\in N$.

Lời giải

Ta phản chứng điều ngược lại , tức là với mỗi $p_i$ trong S tồn tại $a_i$ sao cho $p \nmid P(a_i)$ , khi đó bằng phép xét x thỏa mãn hệ đồng dư $x\equiv a_i (\mod p_i)$
Theo đính lí Trung Hoa luôn tồn tại x thỏa mãn bài toán ,ta suy ra $P(x)$ không có ước nguyên tố trong S và từ đó ta có sự vô lí nghĩa là phải tồn tại $p_i$ thỏa mãn bài toán ,đó là điều cần chứng minh.


Bài toán tổng quát sau đây vẫn đúng nếu ta thay S bằng 1 tập số nguyên dương bất kì , ý tưởng của bài toán hoàn toàn giống lời giải ơ trên nhưng có cần đôi chút kĩ thuật khéo léo , xin được tiếp tục dành lời giải cho bạn đọc.
Ví dụ
Đây là một ví dụ khá điển hình cho định lí Trung Hoa : Chứng minh rằng với mọi số nguyên n ta có thể chọn n số nguyên liên tiếp sao cho tất cả các số đó đều là hợp số .


Gợi ý : Xét $p_1,..,p_n$ là các số nguyên tố phân biệt sau đó xét hệ đồng dư $x\equiv - k \ (\mod p_k^2 ) $.


Discovery is a child’s privilege. I mean the small child, the child who is not afraid to be wrong, to look silly, to not be serious, and to act differently from everyone else. He is also not afraid that the things he is interested in are in bad taste or turn out to be different from his expectations, from what they should be, or rather he is not afraid of what they actually are. He ignores the silent and flawless consensus that is part of the air we breathe – the consensus of all the people who are, or are reputed to be, reasonable.

 

Grothendieck, Récoltes et Semailles (“Crops and Seeds”). 


#2
Zaraki

Zaraki

    PQT

  • Phó Quản lý Toán Cao cấp
  • 4273 Bài viết
(tiếp theo )
Ví dụ 5 : Chứng minh rằng với mọi n luôn tồn taị một tập S mà $|S|=n$ sao cho với mỗi tập con T khác rỗng của S thì $\sum_{x\in T} x $ không là luỹ thừa của một số nguyên .
Lời giải : Với những dạng toán như vậy ta quan tâm nhiều đến số mũ của các thừa số nguyên tố ,ta biết rằng một số sẽ là luỹ thừa của một số nguyên nếu như $\gcd(v_{pi}(n)\}>1$ với $p_i$ là tập các ước nguyên tố của $n$ . Do vậy một mẹo để giải quyết bài toán là tìm cách xác lập một số ước nguyên tố của $n$ mà số mũ của nó trong khai triển của n bằng 1 . Điều này gợi ý cho ta bổ đề sau :
Cho $a_1,...,a_n$ là các số nguyên phân biệt .Khi đó luôn tồn tại x sao cho $x+a_i$ không là số lũy thừa với mọi $i=1,..,n$ . Đề chứng minh bổ đề này ta chỉ cần chọn ra n số nguyên tố phân biệt $p_n>...>p_2>p_1>max\{a_1,..,a_n\}$ và xét hệ phương trình đồng dư : $x\equiv p_i-a_i (\mod p_i^2)$ . Khi đó ta có với mọi i từ 1,...,n thì $v_{p_i}(x+a_i)=1$ và ta có kết quả bài toán .
Quay lại ví dụ ta đang xét , bài toán là hệ quả của bổ đề trên thông qua phép quy nạp .Đầu tiên ta dựng cho n .Sau đó chọn số x thao thuật toán trên, bổ sung x vào tập đó ta được tập n+1 phần tử . Và do đó kết thúc bài toán .
Ví dụ 6 : (Thi vô địch toán Đài Loan ) Ta định nghĩa một hình vuông có 4 đỉnh là các điểm nguyên , đồng thời đoạn thẳng nối tâm O với tất cả các điểm nguyên trên biên và trong hình vuông đó chứa ít nhất một điêm nguyên khác hai đầu mút . Chứng minh rằng với mọi số nguyên dương n ,tồn tại một hình vuông tốt dạng n*n .
Lời giải : Bài toán nêu ra vấn đề về đoạn thẳng chứa điểm nguyên ,vì vậy buộc ta phải tìm hiểu về tính chất của hai điểm nguyên trên mặt phẳng toạ độ ,điều kiện để đoạn thẳng đó chứa điểm nguyên khác hai đầu mút .
Bổ đề : Cho hai điểm A(a,b) và B(c,d) nguyên trên mặt phẳng toạ độ ,khi đó đoạn AB chứa ít nhất 1 điểm nguyên khác A và B khi và chỉ khi $\gcd(a-c,b-d) >1$ . Phép chứng minh của bổ đề này khá đơn giản với công cụ vecto .
Quay lại bài toán ta đang xét , ta gọi đỉnh gần O nhất là (x,y) Khi đó toạ độ các đỉểm nguyên của hình vuông sẽ là $(x+i,y+j)$ với $i,,j=0,...,n$ ,Khi đó ta cần tìm điều kiện để cho với mọi cặp $(i,,j) $ với $i,j\in \{0,...,n\}$ ta luôn có $\gcd(x+i,y+j)>1$ . Điều này gợi ý cho ta sử dụng định lí Trung Hoa để xây dựng điều kiện cho bài toán . Với mỗi cặp (i,j) ta xác định một số nguyên tố $p_{ij}$ sao cho các số $p_{ij}$ phân biệt . Từ đó ta chỉ cần xét x,y thoả mãn hệ :
$x \equiv -i \pmod{p_{ij}}$ và $y\equiv -j (\mod p_{ij } ) $
Theo định lí Trung Hoa hệ này có nghiệm x,y ,tức là tồn tại một hình vuông n*n thoả mãn bài toán . Bài toán được chứng minh xong .
Ví dụ 7 : Cho $f_1,...,f_n$ là n đa thức khác 0 , khi đó chứng minh rằng tồn tại đa thức P hệ nguyên sao cho với mọi $i=1,..,n$ ta luôn có $P+f_n$ là đa thức bất khả quy .
Gợi ý : Hãy sử dụng tiêu chuẩn Eistein : Nếu $P(x)=a_n.x^n+...+a_1x+a_0$ là đa thức hệ số nguyên thoả mãn ,tồn tại một số nguyên tố p sao cho :
i) $p|a_i,\forall i=2,...,n$ và $p\nmid a_1$
ii )$p^2 \nmid a_0$
thì P(x) là đa thức bất khả quy . Từ đó xây dựng một đa thức thoả mãn hệ đồng dư phù hợp với hai điều kiện i và ii .

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Phạm Quang Toàn: 21-10-2011 - 21:14

Discovery is a child’s privilege. I mean the small child, the child who is not afraid to be wrong, to look silly, to not be serious, and to act differently from everyone else. He is also not afraid that the things he is interested in are in bad taste or turn out to be different from his expectations, from what they should be, or rather he is not afraid of what they actually are. He ignores the silent and flawless consensus that is part of the air we breathe – the consensus of all the people who are, or are reputed to be, reasonable.

 

Grothendieck, Récoltes et Semailles (“Crops and Seeds”). 


#3
chimsebanmai

chimsebanmai

    Binh nhất

  • Thành viên
  • 20 Bài viết
ai có tài liệu về hệ thặng dư nghịch đảo không cho mình vs

Đủ nắng hoa sẽ nở

Đủ gió chong chóng sẽ quay

Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy





2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh