Đến nội dung

Hình ảnh

GS Ngô Bảo Châu viết 'tiểu thuyết toán hiệp'

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 3 trả lời

#1
vietlongs2012

vietlongs2012

    Lính mới

  • Thành viên
  • 2 Bài viết
Từ ý định viết lịch sử toán học, Ngô Bảo Châu cùng Nguyễn Phương Văn chắp bút cho tiểu thuyết "Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình". Hai tác giả gọi vui đó là "Tiểu thuyết toán hiệp".

Cuốn sách gần 200 trang được phát hành vào ngày 19/3 và sẽ được giới thiệu tại hội chợ sách TP HCM diễn ra từ ngày 19 đến 25/3.
Đồng tác giả với GS Châu, anh Nguyễn Phương Văn, chủ nhân blog 5 xu được nhiều người biết đến cho hay, sau khi hình thành ý tưởng viết lịch sử toán học bằng tiểu thuyết, GS Châu và anh đã cùng đề xuất các cốt truyện, chủ đề rồi chọn lấy một. Hai người đã cùng viết, cùng sửa, cùng thay đổi tình tiết cho đến lúc ưng ý nhất.
"Do cả hai cùng thích Alice in wonderland (Alice lạc vào xứ sở thần tiên) nên chọn chủ đề này. Sau đó chúng tôi chọn tên cho hai nhân vật chính", anh Văn cho biết. Hình đã gửi GS Ngô Bảo Châu cùng với Nguyễn Phương Văn viết tiểu thuyết về lịch sử toán học, sách được xuất bản vào ngày 19/3. Ảnh: Hoàng Thùy.
Bắt đầu chắp bút vào tháng 4/2011, thông qua skype và gmail, chủ nhân blog sổ tay thích học toán và blog 5 xu thường xuyên trao đổi, bàn bạc về đứa con tinh thần. Thời gian GS Châu về Việt Nam, hai người thảo luận tại các quán cà phê ở Hà Nội và TP HCM.
Cuối tháng 11/2011, sau 8 tháng miệt mài làm việc, tiểu thuyết "Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình" hoàn thành. Bản thảo sau đấy được gửi đến nhà xuất bản.
"Chúng tôi mong muốn gợi mở bạn đọc để họ tò mò về các nhân vật xem đó là ai ngoài đời, họ đã làm gì cho khoa học, họ đã sống ra sao, ở thời nào; các khái niệm toán học như trường, hệ tọa độ, không gian phi Euclid… là gì, có ý nghĩa gì, từ đó bạn đọc tự tìm hiểu", chủ nhân blog 5 xu nói và cho hay, phần mở đầu và kết thúc tiểu thuyết cũng có tính gợi mở như vậy.
GS Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền giáo dục của Pháp và Việt Nam, khi ông được trao tặng Huy chương Fields, phần thưởng danh dự nhất thế giới trong lĩnh vực toán học. Ngày 27/1 tại điện Élysée, Tổng thống Pháp Sarkozy đã trao tặng Bắc Đẩu Bội tinh, huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp cho GS Châu.

Nguyễn Phương Văn được nhiều người biết đến với cái tên Phương Cẩm Sa, chủ nhân của blog 5 xu. Năm 2010, Alpha Books xuất bản cuốn "Thời tiết đô thị", lựa chọn từ các entry của blog 5xu, biên tập và phân loại. GS Ngô Bảo Châu và tiến sĩ Quốc Anh viết lời giới thiệu cho cuốn sách.


#2
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết
Tôi may mắn có trong tay bản thảo cuốn sách đã ba tháng nay, và phải làm cái công việc khó khăn là không dám “khoe” vì sợ lộ bí mật. Nay cuốn sách đã sắp ra mắt, xin đưa lên bài viết về cảm nhận của tôi khi đọc sách. Cũng có thể xem là Lời giới thiệu cuốn sách với bạn đọc (của trang blog này).

Một cuốn sách trình bày những kiến thức toán học dưới dạng “ngây thơ” nhất, và vì thế, bản chất nhất. Ta gặp ở đây những khái niệm đầu tiên về số, những vấn đề “cao siêu” như trường số, tính không giải được bằng căn thức của phương trình bậc 5 tổng quát, cho đến hình học phi Euclid, đường trắc địa…Một cuốn lịch sử toán học, từ sự ra đời của số vô tỷ đầu tiên đến sự xuất hiện của phương pháp tọa độ và giải tích vô cùng bé. Nhưng trước tiên, cuốn sách là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp, với nắng vàng trên bãi cát, với bầu không khí trong vắt của trí tuệ và tình người, với những nghịch lý và âm mưu. Ta chợt nhận ra rằng, thế giới của những con số cũng huyền ảo, kỳ bí và lãng mạn như cuộc đời.

Tác giả đưa ta vào câu chuyện cổ tích, mà ở đó cùng với Ai và Ky, ta bắt gặp những con người của nhiều thế kỷ khác nhau đang sống cùng nhau trong một thế giới chung: Toán học. Ta gặp Euclid (thế kỷ III TCN) và Thales (624-546 TCN), hai nhà phù thủy chỉ dùng cây thước và compa mà dựng nên cả “thế giới hữu tỷ”; thấy Pythagoras (570-495 TCN) nghiêm khắc trừng phạt anh học trò Hyppasus (thế kỷ V TCN) vì đã dám tạo ra số vô tỷ đầu tiên, phá vỡ cài hài hòa của thế giới hữu tỷ. Ta gặp Zeno xứ Elea (490- 430 TCN) hiện thân thành cô gái Zena với cặp mắt mê hoặc, mà khi nhìn vào đó, thời gian dường như bị chia thành những mảnh nhỏ vô cùng mà ta không thể vượt qua. Nhưng cuối cùng, Alice (lực sĩ Achilles?) đã dũng cảm vượt qua cái “nghịch lý Zeno” đó, dù biết là phải chịu trừng phạt. Để vượt qua cái việc chia cắt thời gian thành những mảnh nhỏ, Alice phải nhờ tới “chuỗi hội tụ”, nhờ tới giải tích vô cùng bé. Ông Chico hiểu điều đó, nhưng vẫn trừng trị Alice, để không làm phật ý Đức Vua, người chỉ biết dùng phép khai căn để tìm ra gốc gác từng thần dân (số) của mình. Ta nhận ra trong bóng dáng Chico hình ảnh của Cauchy (1789-1857), nhà toán học thiên tài, một trong những người đặt nền móng cho giải tích vô cùng bé, nhưng cũng là một người bảo hoàng cực đoan. Cũng vì phụng sự Đức Vua mà Chico trừng phạt chàng thanh niên Elaci, người đã phát hiện ra rằng Đức Vua không thể chỉ dùng phép khai căn mà tìm được những “thần dân” là nghiệm của phương trình bậc năm. Ông Chico muốn dìm đi phát hiện đó của chàng Elaci, và Elaci đã phải quyết đấu với con rồng. Nhưng trong câu chuyện cổ này, Elaci không chết ở tuổi 21 như Evariste Galois (1811-1832) trong buổi sáng định mệnh sau trò đấu súng, mà chỉ bị đày đến “xứ p-adic”, xứ sở mới của những con số khác với số thực và phức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình còn là cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học. Với cặp mắt ngây thơ của Ai, ta nhìn ra mâu thuẫn ẩn chứa trong các chứng minh phản chứng, mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và vô hạn, của sự chứng minh được hay không một chân lý toán học. Bởi thế nên ông già Cartesius (René Descartes, 1596-1650) mới nhận ra rằng, để “tồn tại” thì chỉ “suy nghĩ” thôi là chưa đủ: “Ta đang nghi ngờ, việc của ta là nghi ngờ. Ta sợ một lúc nào đó ta không còn nghi ngờ được nữa, thì bản thân ta cũng sẽ trở nên tàng hình”. Cũng bởi vì thế mà Diogenes xứ Sinop (412 hoặc 404 – 323 TCN) mới cầm đèn đi giữa ban ngày để tìm cho ra người lương thiện.

“Giải quyết một bài toán cũng như ăn từng miếng nhỏ của trái táo. Làm như thế một là để thưởng thức, hai là để tránh nghẹn”, ông già Cartesius đã khuyên Ai như thế. Cuốn sách trên tay các bạn cũng cần được thưởng thức chậm rãi như thế, để có thể cảm nhận được hương vị đậm đà của nó. Và trên hết, phải có cặp mắt ngây thơ như cậu thiếu niên Ai, để nhìn ra chân lý. Bởi vì chân lý chỉ dành cho những người không bị che mắt bởi cái vụn vặt thường nhật.

Lời nhắn nhủ của Elaci từ xứ sở p-adic cũng là lời nhắn cho tất cả chúng ta: “Hãy lắng nghe những người khác nói nhưng luôn suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Cuối cùng và quan trọng nhất là đừng bao giờ để rơi mất tiếng cười hồn nhiên của Alice”

Cuốn sách giản dị, thông thái, sâu sắc, vừa dễ gần, vừa không dễ hiểu - như chính tác giả của nó vậy.

Gấp sách lại, cái “cảm giác tiếc nuối trở nên mơ hồ như làn khói lam chiều. Có một tiểu hành tinh vừa băng qua mùa thu của trái đất”.

#3
Crystal

Crystal

    ANGRY BIRDS

  • Hiệp sỹ
  • 5534 Bài viết

"Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình" đã ra mắt vào ngày 19/03 tại hội sách TP.HCM lần 7 (tại công viên Lê Văn Tám).


1.jpg


Xuất phát từ ý tưởng muốn viết một cuốn sách về lịch sử toán học của GS Ngô Bảo Châu (nhưng trong quá trình viết, mạch truyện lại “ngang bướng” rẽ theo một hướng khác) mà hai cậu bé Ai và Ky đã “chào đời” sau 8 tháng “mang nặng”. Để “xa mặt (mà không) cách... dòng” (do hai tác giả - một ở Việt Nam, một ở Mỹ), cuốn sách đã được ráp nối qua... skype, gmail và những lần gặp nhau tại các quán cà phê ở Hà Nội, Sài Gòn... Các tác giả đã đặt cho cuốn sách một thể tài mới: “Tiểu thuyết toán hiệp”.

Cuốn sách gây tò mò không chỉ bởi tên của tác giả mà còn của... nhân vật. Vì sao lại nhất định phải là hai cái tên “nửa tây nửa ta” Ai và Ky? “Nửa tây nửa ta” mà nghe vẫn hết sức giản dị và gần gũi! Thực ra, tên nhân vật lúc đầu được đặt là Ay và Bi với hàm ý hai điểm A và B, cũng như hàm ý A0 là khối phổ thông chuyên toán, nơi GS Ngô Bảo Châu từng học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ) và B0 là khối phổ thông chuyên lý của người bạn cùng trường, khác khoá Nguyễn Phương Văn (một nhân vật rất quen thuộc với cư dân mạng tại địa chỉ blog). Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của nhà thơ Vũ Quần Phương về cuốn sách này các bạn nhé!



Hình đã gửi


Con người ta ai chẳng từng dùng môn toán. Nhà thơ Ðức Bertolt Brecht (1898-1956) coi chuyện ăn hai cái bánh mì no hơn là ăn một cái đã là toán rồi (trong bài thơ 1940). Nhưng lại không mấy người để ý đến những bí ẩn thần kỳ trong phép tư duy trừu tượng của môn toán. Ðiều thích thú nhất của toán có lẽ là ở kiểu tư duy của nó.

Hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn trong cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình muốn chỉ cho bạn đọc thấy điều lý thú ẩn giấu trong môn toán. Sách viết để phổ cập nhưng người làm văn như tôi đọc cũng vẫn thấy khó. Khó thì khoanh nó lại mà nhảy qua, mượn kiểu tư duy của toán mà nhảy qua, để tìm đến chỗ mình hiểu được, hoặc có cảm giác hiểu được để nếm vị lý thú của toán và có khi còn áp dụng được cho việc... làm thơ.

Một nhân vật trong cuốn sách là Cartesius khuyên giải quyết một bài toán cũng phải như ăn táo từng miếng nhỏ, vì như vậy mới thưởng thức được táo và cũng để tránh nghẹn. Kinh nghiệm này đâu chỉ áp dụng cho môn toán, nó là phương châm xử thế mọi việc trong đời. Sách xưa dạy: dục tốc bất đạt (muốn nhanh thì không thành) là đã cảnh báo cái sự nghẹn mà chưa để ý đến khía cạnh thưởng thức của sự ăn chậm nhai kỹ.

Có nhiều thứ phải nhậu lai rai mới ra cái sự ngon. Châu và Văn bày mẹo cho bạn đọc của xứ sở của những con số tàng hình cái cách nhậu và nhai thế nào cho thấy được cả hương và vị của môn toán.

Tôi chưa biết lắm về Nguyễn Phương Văn, chỉ biết anh là con trai nhà văn Phượng Vũ (1937 - 2000). Còn Ngô Bảo Châu thì hẳn mọi người đã quen rồi, không chỉ quen cái tên giải thưởng anh nhận năm 2010, mà còn quen với lối suy nghĩ sắc và cách diễn đạt hóm các vấn đề xã hội của anh. Châu và Văn trong tập sách này muốn hình tượng hóa các khái niệm trừu tượng của toán, biến chúng thành những thực thể có xương thịt, để những con mắt trần tục đời thường cũng thấy được.

Các anh nói về con số không: trong vũ trụ trong vắt, trống rỗng, không có trên dưới đuôi đầu gì, xuất hiện hai nhân vật Ai và Ky, nối hai nhân vật ấy là một đường thẳng. Chỗ cho nhân vật đầu tiên ấy tựa lưng mà ngồi cho yên ổn, không bị trượt đi vô định là số không. Số 0, điểm bắt đầu cho chú bé Ai xác định chỗ đứng, rồi từ chỗ đứng đó mới luận ra trước sau trên dưới, mới hình thành một hệ thống không gian. (Hệ thống ấy cũng chỉ là một kiểu không gian thôi, còn nhiều không gian khác). Chú bé Ai ngồi ở điểm số 0 thì người thứ hai, anh thanh niên Ky, là điểm số Một. Trong cõi rỗng không đã hiện ra hai con số thì chắc còn hiện ra các con số khác, các kiểu hệ thống số khác.

Ðể câu chuyện có hơi hướng đời sống, các tác giả huy động hình ảnh của các nhà khoa học, toán học, xã hội học... vào cuộc. Tính cách mỗi nhân vật này gợi lên từ công trình của họ và ít nhiều từ dấu vết của thời đại họ.


Hình đã gửi


Hình đã gửi

Hình minh họa cho sách


Chúng ta gặp ở đây chàng Thales gương mặt hốc hác nhưng áo quần tề chỉnh, với chiếc kính về các đường song song kỳ quặc trên sống mũi. Chỗ anh đứng trước cả số Không, đối xứng với số Một qua số Không, nhưng anh không thích người ta gọi mình là Âm Một.

Các nhân vật khác như: Euclid - người thành Alexandria, Pythagoras - người xứ Samos, Hyppasus - học trò yêu của Pythagoras, rồi bà Hetty, ông Carlorus, cô Zena... lại có cả ông tổ ngụ ngôn Aesop và người cầm đèn soi ban ngày Diogenes. Mỗi con người ấy từ những ngả đường riêng nhập vào câu chuyện này kiểu như các nhân vật Thủy hử tìm đến Lương Sơn Bạc.

Có lẽ các tác giả muốn đặt cuốn sách vào tầm mắt những học sinh trung học chuyên toán, chí ít là vậy, nên hàng loạt định nghĩa cơ bản hay khái niệm công cụ của toán chỉ có thể lướt qua hoặc không cần nói đến để nhập nhanh vào những kết quả của lao động toán.


Hình đã gửi


Người ngoại đạo với toán, như tôi, đọc sách này thấy khó nhưng lại có cái thú được ngạc nhiên từ những thứ tưởng không có gì để ngạc nhiên. Ấy là khi nghe Pythagoras nói: "Người ta sợ những gì người ta chưa biết, ta cũng sợ". Cartesius thì xác định lý do sống của mình là để... nghi ngờ. "Việc của ta là nghi ngờ", ông nói vậy. Nghi ngờ rồi suy nghĩ có phương pháp để thủ tiêu nghi ngờ ấy là thao tác sống của ông...

“Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” chắc hẳn sẽ là một ẩn số mà bất cứ ai chứ không chỉ riêng các teen chúng mình muốn khám phá.



#4
Crystal

Crystal

    ANGRY BIRDS

  • Hiệp sỹ
  • 5534 Bài viết
Địa chỉ của Ai và Ky: http://www.aivaky.com




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh