Đến nội dung

TuanTS

TuanTS

Đăng ký: 16-04-2005
Offline Đăng nhập: 05-05-2012 - 22:47
-----

www.hanoi.vnn.vn/vanhoc

02-05-2005 - 16:59

Nữ sĩ Xuân Quỳnh: Biết quên mình để làm vợ






Nữ sĩ Xuân Quỳnh.
ìAnh không ngủ được ư anh?/Để em mở quạt, quấn mành lên cho” đó là những vần thơ mộc mạc nhưng chứa chất yêu thương trong bài thơ Hát ru chồng những đêm khó ngủ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đọc thơ chị càng hiểu và trân trọng hơn tấm lòng của một người phụ nữ nhất mực yêu chồng, một người vợ giàu lòng chung thuỷ và đức hy sinh.

Từ hồi còn là chiến sĩ Công an trẻ, trong một lần nằm Bệnh viện 367 của Bộ Công an sơ tán ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, tôi đọc tập thơ Hoa dọc chiến hào của Xuân Quỳnh, nhưng chưa thấm thía mấy. Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 1988 tại đầu bờ bắc cầu Phú Lương, tỉnh Hải Dương làm cả gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ ngồi trên ôtô Uoát tức tưởi ra đi, các báo, đài bắt đầu thường bình thơ hoặc phân tích truyện, kịch của anh chị. Vốn là người yêu thơ, tôi và thế hệ chúng tôi biết chị nhiều hơn, ấn tượng ìXuân Quỳnh” kể từ dạo đó.

Đến nay hết thảy chúng tôi đã trưởng thành, có dịp đọc Tuyển tập thơ của chị, rồi suy ngẫm, rồi chiêm nghiệm, tôi mới nhận ra rằng, chị Xuân Quỳnh là nhà thơ có lời yêu thương chồng đằm thắm và thơm thảo nhất. Tình cảm đó được thể hiện qua bài Hát ru chồng những đêm khó ngủ và bài Mẹ của anh. Nếu nói ìhơn lên một tí”, riêng hai bài thơ trên, khi đọc lên, trước những lời thơ tha thiết, lồng lộng đức tính nhân văn, giàu tình hữu ái của con người với con người, tình của người vợ yêu thương chồng sao mà cao đẹp, đằm thắm thế! Lời chị ru sao mà mượt mà, ý nhị và tình cảm đến thế?! Đã từ lâu, nhiều khi nhớ đến, tôi thấy nỗi niềm cứ rưng rưng tự đáy lòng suy tưởng đến những ý tứ của những câu thơ:

Anh không ngủ được ư anh?
Để em mở quạt, quấn mành lên cho.
Lặng sao cái gió đầu hồ,
Ghét sao cái nắng đầu mùa đã ghê.

Vâng! Những ai ở miền Bắc mới cảm nhận được đầy đủ cái nắng hạ chói trang, oi bức đến mức nào. Nhất là trong thời kỳ bao cấp, đất nước đang có chiến tranh, sự thiếu thốn vật chất đã rồi, nhà cửa thì chật chội, đồ đạc tuềnh toàng. Sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều bó hẹp trong khung hạn định đó. Đôi vợ chồng nào mới cưới, được cơ quan xếp cho căn phòng hạnh phúc độ 10-15m2 đã là ìxôm” lắm, mừng quýnh như bắt được vàng. Chúng ta bây giờ nghĩ lại khó hình dung nổi khi mà trong khuôn khổ chật hẹp ấy, mọi thứ cho một gia đình người ta đều thu vén đủ. Vậy mà vẫn còn lối rộng đi lại, chỗ dựng xe đạp cà tàng, chỗ để đun nấu, còn khi ăn cơm thì tót trên giường rồi. Thế thì trong cái nắng đầu hè, cái phòng ở hẹp, cái quạt ìcon cóc” bé tẹo tuy quay tít đấy, làm sao có thể đủ làm mát được cho cả gian phòng?... Nên không bức bối sao được? Thử hình dung khi chị Xuân Quỳnh ìmở quạt”, ìvén mành” lên là như để trông chờ vu vơ một cơn gió thổi vào phòng, may ra làm dịu đi cái nắng nóng đầu mùa hạ trong căn phòng chật hẹp. Đó là tấm lòng nhân hậu của người vợ hiền muốn chồng được hạnh phúc sung sướng, được thiên nhiên ban tặng. Nhưng chưa được, chưa có, chị lại tỉ tê như cưng nựng:

… Ngủ đi em khép cửa phòng
Để em lên gác em trông xem nào.

Bây giờ thì trông cái gì đây. Phải chăng vẫn là trông hờ một cơn gió, cơn mưa thần kỳ đột ngột cho trời dịu lại để người chồng mà chị yêu, chị quý trọng đến hết lòng: ìEm yêu anh, yêu anh như điên… và Em yêu anh cả khi chết đi rồi” ngủ cho ngon giấc?! Có thể lắm chứ! Trời miền Bắc mùa hè mỗi khi đứng gió, oi ả đến cực cùng rồi thường sau đó hay nổi giông mưa? Nhưng không, bấy giờ thì trời vẫn nóng. Người chồng vẫn trằn trọc, khó ngủ bởi những ưu tư, phiền muộn trăm chiều(?!). Như hiểu được nội tâm và xót thương chồng, thế là bằng chất thơ, chất giọng mát rợi tình chồng vợ chị lại vỗ về ru như lời khuyên nhủ:

Anh không ngủ được anh yêu?
Nghe chi cơn lũ đang chiều nước dâng?!
Ngày mai cây lúa lên đòng,
Lại xanh như đã từng không mất mùa…
… Khuya rồi anh hãy ngủ đi
Để em trở dậy em che bớt đèn.

Ôi! Cái nghĩa tao khang sao mà sâu đậm. Tình cảm ấy sao mà hạnh phúc. Sao mà đáng nâng niu, trân trọng! Nếu suy tưởng bằng ngôn ngữ điện ảnh qua lời thơ, chúng ta có thể hình dung ra từ nãy giờ chị Xuân Quỳnh như vẫn đang bên chồng để vỗ về… ru cho chồng ngủ, đang phe phẩy quạt nan, nhưng mà đức ông chồng vẫn còn trằn trọc, biết đâu còn làm nũng vợ? Từ sự thương yêu chồng đến vô bờ bến đó mà thành ra chị ìghét cái gió lặng yên, cái ánh đèn hắt sáng”, bởi tất cả đó là nguyên nhân làm cho người chồng mình yêu, mình quý trọng khó ngủ, không ngủ.

Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy, do không xác định đúng đắn được tình yêu, tình con người, hay nghĩa vợ tình chồng là thiêng liêng, cao quý nên không ít trường hợp những cặp vợ chồng, những gia đình mà người ta gọi là ìtế bào của xã hội” còn có những thù tức, cá nhân ích kỷ để nảy sinh những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, gây ra án mạng, thương tích rất đáng tiếc… Hậu quả không chỉ gây ảnh hưởng nhân cách, thuần phong, đạo lý bị xuống cấp, đặc biệt nguy hiểm là từ những mâu thuẫn đó con người đã xâm hại, tổn thương đến sức khỏe, gây thiệt hại nặng nề nếp cuộc sống gia đình, mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực an toàn xã hội, trật tự trong cộng đồng dân cư.

Nhìn trên phương diện này mà liên tưởng, khi đọc những vần thơ ru chồng của chị Xuân Quỳnh, chúng ta thêm cảm nhận ra đúng nghĩa cuộc sống và hạnh phúc vợ chồng. Được biết chị là người từng trải và đã nếm vị đắng của tình yêu, hạnh phúc khi một lần đổ vỡ nên chị đã: ìQua cay đắng với buồn vui đã nhiều” (Thơ tình tôi viết, nhưng chị lại là người: ìEm biết quên những chuyện đáng quên/ Em biết nhớ những điều em phải nhớ” là bởi: ìQuá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ”?! (Có một thời như thế).

Dư luận lúc bấy giờ không phải ai cũng hiểu đúng về cuộc hôn nhân Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Nhưng trong giới văn nghệ thì đánh giá rất cao trong những năm tháng họ ở bên nhau, Xuân Quỳnh tài hoa, xinh đẹp đã cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (kém chị 4 tuổi) thật sự sống rất hạnh phúc, họ hiểu nhau, cảm thông với nhau, sống trọn vì nhau, cho nhau sau những thiệt thòi, mất mát đã bừng lên trong lĩnh vực sáng tác. Chính vì lẽ đó, anh chị như được chắp cánh nên đã sáng tác rất khỏe và dẻo dai, làm giàu cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật của nước nhà rất lớn bởi một khối lượng kịch và thơ, văn ìđồ sộ” được ra đời trong thập niên trước của những năm 80 của thế kỷ trước.

Có người nói, thơ là muôn nỗi riêng chung của cảm xúc đa chiều khi lòng ta buồn lắng xuống hay rộn lên niềm vui sướng tột cùng. Nói như cố nhà thơ Tố Hữu thì: ìThơ là gan ruột”. Còn Vũ Quần Phương thì miêu tả thật buồn cười: ìThơ như mộc nhĩ khô”, khi ngâm nó sẽ ìlượi” ra. Chị Xuân Quỳnh, nếu không có những phẩm chất đó thì làm sao chị có thể cho ra đời hàng loạt bài thơ viết về tình yêu đôi lứa đã tình tứ, sâu đậm chất nhân văn, triết lý tình yêu, tình con người; khi viết về tình cảm của người vợ đối với người chồng càng tỏa sáng tình yêu thương một cách chân thật, còn mãi với thời gian của bao thế hệ, trẻ già đều tâm đắc:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào,
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu?!
( Thuyền và biển).

Với tôi, cái hay của Xuân Quỳnh – người vợ còn được thể hiện ở chỗ ìyêu chồng nên thương mẹ chồng”, cho dù người đời vẫn còn định kiến: ìYêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” (ca dao). Trong bài Mẹ của anh thì dường như hoàn toàn không có ý tứ nào có sự phân biệt ìnàng dâu – mẹ chồng”. Thành thực tôi thật sự hài lòng, đồng cảm với kiểu cách Xuân Quỳnh trong ý tứ ứng xử gia đình được thể hiện qua các bài thơ: Thơ viết cho mình và những người con gái khác, Bàn tay em… đặc biệt là trong quan niệm về mẹ chồng làm tôi rất cảm kích:

Phải đâu Mẹ của riêng anh,
Mẹ là Mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi,
Mà em ơn Mẹ suốt đời chưa xong.

Đúng là thế đấy! Phải có mẹ chồng rồi mới có chồng mình chứ! Thiết nghĩ, người vợ nào cũng biết hành xử như lời thơ của chị Xuân Quỳnh thì thế giới ìđức ông chồng” có làm đến hết đời cũng không trả được hết nghĩa nặng tình sâu của người vợ – người phụ nữ Việt Nam vốn được tôn vinh đảm đang, trung hậu, thủy chung lại biết yêu thương chồng nên quý mẹ. Nếu trên đời này, thế giới đàn ông – thế giới người chồng đều có được những người vợ biết quý trọng mẹ, yêu thương chồng con và mẹ chồng hết mực như thế thì còn gì sung sướng hơn như chị Xuân Quỳnh cắt nghĩa:

Chắt chiu từ những ngày xa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Tiếc rằng, trong cuộc sống đương đại thường không bằng phẳng một chiều như vậy. Chị Xuân Quỳnh đã mạnh bạo không ngần ngại khi nói lên niềm tự hào của người vợ, người mẹ trong bài Thơ vui cho phái yếu:

Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng,
Là Bác học… hay là ai đi nữa,
Vẫn là con của một người phụ nữ…

Tại sao chị Xuân Quỳnh lại có được những tình yêu thương đằm thắm, thiết tha như vậy với chồng, với cả mẹ chồng mà không thấy có một sự cách ngăn nào trong các mối quan hệ đó?! Phải khẳng định rằng, để có được phẩm hạnh đó, chị Xuân Quỳnh đã có một cái tâm của người phụ nữ – nhà thơ, của người vợ hiền tôn thờ chồng với một đức tin của một ý thức hệ về tình yêu trong mối quan hệ vợ chồng nồng thắm và mãnh liệt, nếu không dám nói là cực độ:

Em yêu anh, yêu anh như điên,
Em viết những bài thơ tình yêu tưởng anh là ý, tứ?
(Thơ viết cho mình).

Nhưng rồi chị cũng thấy sự việc đó nó cũng đơn giản, gọn nhẹ mà sâu lắng tận đáy lòng nên có lúc chị đã cất cao tiếng hát về mình:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em,
Là máu thịt đời thường ai chả có?
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa,
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
(Tự hát).

Trên thế gian này nếu tất cả ìThế giới phụ nữ – thế giới người vợ” đều có được cốt cách của cái tâm đúng nghĩa với chồng, với con, với gia đình; có đầy đủ những tố chất và phẩm hạnh tốt đẹp của người vợ, người phụ nữ như đức Khổng Tử răn dạy thì cuộc đời này sẽ còn càng thêm ý nghĩa và yêu dấu biết nhường nào?! Và như thế, về mặt trật tự an toàn xã hội, trật tự cộng đồng, trật tự gia đình sẽ hoàn tất không phải là vấn đề đáng lo ngại mà hậu quả phức tạp đáng tiếc lại bắt nguồn từ những người phụ nữ, những người vợ.

Và, điều nữa tôi cũng nghiệm ra rằng, cũng nếu đúng như lời cụ Nguyễn Du nói về Tài – Mệnh ở trên đời này nếu có, thì âu đó là điềm gở đáng tiếc đã ứng vào chị Xuân Quỳnh – Nhà thơ tình đa tài, đa cảm, đa đoan với cuộc sống, yêu thương con người, yêu thương chồng con đằm thắm nhất nhưng vắn số.


Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận: Lửa thiêng nay đã về trời!





Cây đại thụ của phong trào thơ mới, người ghi dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại đã qua đời ở tuổi 86...

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919, tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước. Ông đậu Tú tài Tây ở Huế, sau đó theo học và tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông Hà Nội (năm 1943).

Ngay từ khi còn trẻ ông đã thể hiện một tài năng thơ ca đặc biệt. Tập thơ đầu tay của ông có tên ìLửa thiêng” xuất bản năm 1940, đánh dấu sự có mặt của Huy Cận, một nhà thơ lớn của dân tộc suốt 65 năm qua.

Nhà thơ Huy Cận được xem là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào thơ mới và là cây đại thụ của nền thơ cách mạng Việt Nam. Ông mất đi giữa những ngày giới văn học nghệ thuật đón chào xuân mới và chuẩn bị tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 3 là một tin buồn và mất mát lớn cho giới văn học nghệ thuật và thơ ca Việt Nam.

Sau một thời gian bị bệnh nặng, mặc dầu được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà thơ Huy Cận đã qua đời tại thủ đô Hà Nội ngày 19/2/2005 (nhằm ngày 11 tháng Giêng năm Ất Dậu), thọ 86 tuổi.

Đọc những câu thơ đầu đời của Huy Cận người ta đã thấy một giọng thơ khác lạ, không thể lẫn với ai khác và nó ám ảnh khôn nguôi về cõi người: Tai nương giọt nước mái nhà / Nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn...( Huy Cận đã rất băn khoăn không biết nên chọn cặp từ lành lạnh hay nằng nặng; nặng nặng. Ở đây chúng tôi lấy theo lần viết đầu tiên như lời kể của ông). Giọt nước mái gianh một chiều mưa ở bất cứ thôn làng nào cũng có thể bắt gặp, điều này rất thật thậm chí là quá bình dị nhưng với Huy Cận thì đã khác xa: Nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn...Cái nỗi buồn thi nhân đích thực khiến người đọc bất giác đặt câu hỏi về cái cái gì đang nguội lạnh đi kia? Tình người, tự nhiên hay tất cả? Màn mưa trong buổi chiều tối lạnh có ý nghĩa gì và ở cấp độ nào?

Chắc chắn ý nghĩa của nó không phải ở cấp độ cá nhân, không phải cái tôi cá nhân đòi được thoả mãn các nhu cầu tầm thường như trong đa số thi phẩm của các nhà thơ mới thời 30 -45 của thế kỷ trước. Trong những lần hiếm hoi được trò chuyện cùng ông, tôi nghe ông nói: "Thi sĩ Trần Tử Ngang đã từng đem cái hữu hạn của đời người đối lập với cái vô cùng của vũ trụ: Trước không thấy người trước/ Sau không thấy người sau/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Riêng mình tuôn giọt lệ...Tôi cũng có cái cảm giác ấy". Thế đấy, Huy Cận là cây đại thụ của nền thơ mới, nói và viết tiếng Pháp rất giỏi nhưng điều đó không ngăn cản ông hiểu thơ đường, đọc nhiều sách phật. Chính vì cách tiếp nhận văn hoá chọn lọc như vậy mà ông có những câu thơ vừa mang men say của dòng thơ mới thời bấy giờ vừa quen thuộc đến lạ lùng: Đường trong làng hoa dại lẫn mùi thơm / Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ!...( Đi giữa đường thơm)

Trong làng thơ Việt Nam, chỉ có Huy Cận là mở rộng cảm quan ở tầm mức: Con người - Vũ trụ. Nỗi buồn thi ca trong thơ ông có căn nguyên chính ở điểm này nhưng rất tiếc, ông không giữ được nó trong suốt cuộc đời mình. Có lần ông đến trường Viết văn Nguyễn Du chơi, đám học trò láu cá hầu như chỉ hỏi ông về tập Vũ trụ ca. Ông nói: " Các bạn thơ Pháp, Nga...cũng thích nhất tập thơ đó". Sau đó ông có vẻ hơi buồn...

Ông đã từng giữ cương vị Chủ tịch Nông hội đỏ, đã từng là chứng nhân của lịch sử, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam tiếp nhận tượng trưng quyền lực của Bảo Đại. Thơ ông gần gũi với cuộc sống đời thường hơn, ông ca ngợi tiếng gà gáy báo hiệu cuộc sống mới bình yên và no đủ (Tiếng gà gáy trên Tản Viên Sơn) và tiên báo tương lai Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa vv...Rất nhiều nhà thơ làm thơ ca ngợi phụ nữ nhưng không có ai viết được những câu thơ ấm và sáng như ông: Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử / Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ...

Là nhà thơ nổi tiếng nên ông không thiếu những giai thoại đặc sắc nhưng nghĩ kỹ thì thấy ông hành xử rất đường hoàng đúng mực. Năm 2001, chúng tôi đến phỏng vấn ông nhân kỷ niệm ngày cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông nói ngay: "Phỏng vấn cũng phải trả tiền, tốt nhất là trả tiền trước khi phỏng vấn. Để có được thông tin độc nhất ấy, tôi phải trả giá bằng cả cuộc đời mình...Tôi có quyền về thông tin ấy, nếu ai muốn có nó thì phải trả tiền cho tôi là lẽ đương nhiên!".

Bọn trẻ chúng tôi rất nhiều lần đến trụ sở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thấy ông ngồi ở đó cặm cụi làm thơ. Thậm chí, trước khi lên xe công vụ nếu ông chợt nghĩ ra một câu thơ nào đó ông liền kê mảnh giấy lên mui xe và viết ngay "cho khỏi quên, vì trí nhớ mình dạo này kém lắm...".

Mới năm ngoái đây thôi, đề thi văn tốt nghiệp Phổ thông trung học có dẫn câu thơ "Không cầu gợi chút niềm thân mật" của ông và nó đã tạo ra một cuộc tranh cãi trên báo chí khắp cả nước: Cầu đây là "cầu mong" hay là cây cầu bắc ngang sông?. Hỡi ôi, các nhà giáo, nhà ngôn ngữ, nhà thơ...ầm ầm lao vào cuộc và chẳng ai chịu ai. Tôi lần mò đến ngôi nhà của ông ở đường Điện Biên Phủ, ông mở cửa và mắng phủ đầu ngay: Cậu làm việc không khoa học chút nào cả, muốn gặp tôi thì phải gọi điện báo trước chứ không thể xồng xộc muốn đến thì đến, muốn đi thì đi được! Mà lạ nhỉ, tôi là tác giả còn sống sờ sờ ra mà chẳng ai hỏi tôi nghĩa của câu thơ ấy là gì mà lại mở hẳn một cuộc tranh luận vô ích. Lãng phí quá...".

Câu trả lời của ông thật ngắn gọn, rõ ràng: "Cầu là cây cầu bắc qua sông Hồng. Năm 1948, tôi sơ tán ở vùng Gia Lâm, nhớ Hà Nội quá mà không thể vào thành được vì cây cầu Long Biên bị Pháp phong toả rất gắt. Đứng bên ấy nhìn sông Hồng cuồn cuộn chở những cụm bèo trôi xuôi, tôi mơ có một cây cầu khác bắc qua sông Hồng để có thể về nơi mình mong nhớ. Rõ ràng đến thế mà lại bảo là cầu mong, cầu nhớ à? Dốt quá...".

Hà Nội hôm nay rét ngọt, câu thơ đầu đời của ông lại vang lên trong trí nhớ: Nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn...Nhà thơ của Lửa thiêng của Vũ Trụ ca... đã nhẹ gót hồng trần về nơi cực lạc bỏ lại chúng ta với nỗi buồn không thể thay thế.

Theo Vietnamnet, số ngày 20/02/05

Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá





Suốt một đời tận tụy với thơ, với cuộc đời và lý tưởng, Chế Lan Viên mất đi còn để lại hàng ngàn bài thơ ìDi cảo” làm chấn động thi đàn. Suốt đời ông băn khoăn tìm tòi sáng tạo để đạt tới những đỉnh cao của thi ca.

Ông đã đọc, nghiền ngẫm tất cả các nền thơ cổ kim đông tây của nhân loại: từ thơ Đường đến thơ Pháp, thơ Tây Ban Nha, Nga...; đọc kinh Phật, kinh Thánh, kinh Coran và dĩ nhiên thấm nhuần chủ nghĩa Mác và ìnhận vào mình phẩm chất Hồ Chí Minh”..., và tất cả là để cho chiều sâu triết học của thơ.

Ông phát hiện ra Tổ quốc của thời chiến đấu ìtâm hồn ta khi Tổ quốc soi vào - thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ”... và đặc biệt, ông phát hiện ra nhân dân - một nhân dân khí phách, kiên cường gánh chịu hy sinh, thương đau để đất nước sống còn: ìCon về với nhân dân như nai về suối cũ. Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa…”.

Khi đã đi cùng Tổ quốc, nhân dân; ông đã đem hết tâm huyết ngợi ca cuộc đời chiến đấu, tầm vĩ đại - tầm cao nhân văn của cuộc chiến đấu cho Tổ quốc ấy: ìHỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Chưa đâu - và ngay cả trong những ngày đẹp nhất… Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”.

Một nhà thơ ìsử thi”, đúng vậy! Nhưng phải chăng chỉ có ngợi ca, sử thi mà quên mất những chuyện tình yêu, khổ đau, những chuyện xiết bao ìvăn xuôi” của đời thường. Không. Chế Lan Viên đem thơ mình làm ìnhiệm vụ” - cũng như bất cứ ai thời ấy - kẻ ra chiến trường, người chiến đấu, công tác ở hậu phương cũng đồng thời là chiến trường chống chiến tranh phá hoại... Chế Lan Viên tự lương tâm mình cảm thấy và tự giác gánh lấy trách nhiệm làm người phát ngôn bằng thơ cho cuộc chiến đấu.

Nhưng thơ ông không quên ìhoa ngày thường” khi làm ìchim báo bão”, không quên chú ong bay trong nhà Tỉnh ủy Hưng Yên, một cánh cò trong giấc mơ đứa con gái nhỏ, hoa súng hồ Tây được anh ìyêu thương suốt cả một ngày”, ìtrời xanh của sông Hàn nay đã vỡ”, ìngười mang lại ái tình không ở cùng anh nữa”, nỗi nhớ người yêu như nhớ nắng và tình yêu ìtuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ, nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không”...

Chế Lan Viên là một nhà thơ toàn diện, một nhà thơ theo đúng nghĩa kiểu loại nhà thơ lớn của bất cứ thời nào. Chế Lan Viên trải rộng trang thơ để đón lấy tất cả cuộc đời. Chúng ta đã từng đọc Maiakovski, Aragon, Eluard, Neruda, Nazim Hikmet, Nezval... những nhà thơ lớn thế kỷ 20... Chúng ta thử đo Chế Lan Viên theo kích tấc ấy, thì thấy Chế Lan Viên lúc sắp mất còn dồi dào sức sáng tác, sức mở rộng các thi pháp, các đường biên của thơ, kiêm toàn đông tây kim cổ, nghĩ sâu sắc về thơ, về đời, về dân tộc và nhân loại hơn lúc nào hết. Chỉ có điều Chế Lan Viên viết tiếng Việt, ở tận châu Á và gặp lúc thế giới bao nhiêu diễn biến; nếu không, Chế Lan Viên xứng đáng đại diện cho thơ Việt Nam đối thoại ngang tầm cùng thơ thế giới.

Thi ca và cuộc đời Chế Lan Viên là cả một thế giới mà chúng ta còn phải khám phá lâu dài (sau hàng ngàn trang viết sau khi ông mất cũng như các luận văn tiến sĩ về thơ ông, vẫn còn lại bao nhiêu điều phải nghĩ...). Nhưng cuộc đời ấy gởi cho tất cả những người yêu ông, đọc ông một lời nhắn: hãy yêu và dựng xây, chiến đấu cho cuộc đời ìnhư đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng”, vì ìnhững ngày ta sống là những ngày đẹp hơn tất cả”...

Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân

GS. Nguyễn Đăng Mạnh



Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như để minh họa cho hai câu thơ rất ngông của Nguyễn Công Trứ:

Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu mà phải nghiêm trang đạo mạo! Hồi ấy Nguyễn Tuân coi sống chỉ là một cuộc rong chơi. Có điều, thú chơi của ông là chơi tài, chơi nghệ thuật. Thực ra, muốn chơi ngông, nhất thiết phải có tài. Bất tài mà chơi ngông, người ta gọi là gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì xét đến cùng, chơi ngông là đứng trên đỉnh cao của tài hoa và trí thức mà trêu ghẹo thiên hạ. Trong cái dòng văn học chơi ngông ở nước ta, tính từ thế kỷ 19 về sau, thấy toàn thị là những bậc tài hoa như Chiêu Lỳ Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Nguyễn Tuân có lẽ là người cuối cùng được kể đến trong dòng văn học này? Một mặt, vốn gốc gác dòng dõi nhà nho, mặt khác lại là một thanh niên Tây học, Nguyễn Tuân đã hòa trộn trong cái ngông của mình thái độ của một kẻ sĩ tài hoa bất đắc chí thuộc thế kỷ trước, đậm đà chất truyền thống, với mầu sắc tư tưởng siêu nhân, con người "cao đẳng" học được ở những Nietzsche, Gide của phương Tây hiện đại.

Vâng, văn Nguyễn Tuân là một thứ văn chơi. Đúng thế. Một thứ văn cố tình khoe tài, khoe chữ, tự đặt mình lên trên thiên hạ với thái độ khinh bạc cốt để gây sự và trêu ghẹo người ta. Một thứ văn suy tôn chính cái tôi ngông ngạo của mình và đem luôn cái tôi ấy ra mà "độc tấu" (chữ dùng của Nguyễn Tuân) với đời. Một thứ văn nghênh ngang và lan man, ngòi bút cứ chạy theo dòng cảm nghĩ lông bông, tài tử với những liên tưởng ngẫu hứng, khi tạt ngang, khi cóc nhảy, lắm lúc như muốn đưa người đọc lạc mãi vào những bát quái trận đồ... Một cách chọn đề tài cố tình hạ thấp những gì người ta cho là quan trọng và đề lên rất cao, thậm chí "thiêng liêng hóa" những gì người đời cho là tầm thường xoàng xĩnh, như cái ăn cái uống, những thân phận đào nương kép hát "xướng ca vô loài", hay những anh đồ kiết xác thất thế cùng đường, ngất ngưởng sống nốt những ngày tàn tạ...

Đã chơi văn, chơi tài, thì tất nhiên văn phải ra văn, nghệ thuật phải đúng là nghệ thuật. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người xưa nói đúng: văn chương quả có cái ma lực của nó thật. Có những sự vật, những hiện tượng, đối với cây bút khác có lẽ chẳng có gì đáng nói, đáng viết, nhất là viết thành lời đẹp, văn hay. ấy thế mà Nguyễn Tuân đã khai thác được như là những đề tài phong phú, mới lạ và tạo nên được những áng văn đầy sức hấp dẫn. Đấy là một tay bút có thể viết nhiều trang rất đỗi tài hoa về một cái đinh sắt rỉ dùng để mắc áo trên tường (Chiếc lư đồng mắt cua), có thể viết cả một cuốn sách về một mái tóc đàn bà (Tóc chị Hoài), có thể diễn ra bằng "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" về một cây sấu ra hoa, về một cành bàng nảy lộc, thậm chí về một bát phở, một hạt cốm... Cái công phu ông bỏ ra để luyện cho mình một cái văn như thế thật ít ai có được: đọc nhiều, tra cứu nhiều, đi nhiều, xem nhiều, tích lũy nhiều, ngẫm nghĩ nhiều. Và mỗi lần cầm bút là cân nhắc từng câu, từng chữ. Viết xong lại còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần để kiểm nghiệm lại chính cái viết của mình - kiểm nghiệm bằng mắt nhìn, bằng tai nghe chưa đủ, "còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia (...), có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình" (Về tiếng ta).

Viết kỹ, viết công phu như thế, tất nhiên không thể viết nhanh, viết nhiều được (Nguyễn Tuân thường tự phê bình là người lười viết). Những điều ông viết ra so với cái vốn sống, vốn văn hóa, vốn chữ nghĩa giàu có của ông, quả là còn chưa tương xứng. Nhưng cái khó của Nguyễn Tuân là ở chỗ này: đã viết thì phải độc đáo, phải in đậm cá tính, phong cách riêng của mình trên trang sách. Nghĩa là phải viết cho ra Nguyễn Tuân, mỗi lần đặt một câu, một chữ lên trang giấy trắng, phải làm sao để có thể nói được dõng dạc với độc giả: đây là văn Nguyễn Tuân, đây là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân!

Nhưng đọc văn Nguyễn Tuân, phải thấy cái ngông nghênh kiêu bạc chỉ là bề nổi- bề nổi của tảng băng trôi, nói theo cách của Hemingway - cũng như cái can, cái píp, bộ ria Hoa Kỳ chỉ là cái phong dạng bề ngoài của ông mà thôi. Cái ngông xưa nay bao giờ cũng có cơ sở đạo lý vững chắc của nó. Đấy là điểm tựa để những Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương có thể đặt mình lên trên cái môi trường tầm thường phàm tục vây bọc quanh mình. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân cũng như Tản Đà hay nói đến hai chữ "Thiên lương" và cho tiếng thi nhân (người thơ, nhân cách thơ) đẹp hơn, sang hơn hai chữ thi sĩ (người làm nghề thơ). Nguyễn Tuân dứt khoát đối lập cái đẹp với tính vụ lợi tầm thường. Đối với ông, nghệ thuật là "một công việc mà những con buôn quen sống với đổi chác hàng họ và buôn Tần bán Sở đều gọi là vô ích" (Nhà Nguyễn). Đọc Nguyễn Tuân hãy nhập sâu vào cái phần chìm của các tác phẩm, để thấy cái làm nên linh hồn của những trang viết tài hoa nhất của ông là một tình cảm yêu nước thiết tha, một niềm tự hào dân tộc gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước này.

Nói đến ảnh hưởng của Nguyễn Tuân trong đời sống văn hóa, văn học nước ta, tôi không chỉ nghĩ đến những áng văn ông để lại cho đời. Ở Nguyễn Tuân còn có điều này ít thấy ở các nhà văn khác. ấy là ảnh hưởng của cái gọi là hình tượng nhà văn, hình tượng Nguyễn Tuân hình thành một cách tự phát nhưng rất đậm nét trong tâm thức của giới văn học như là một sự tổng hòa của cái tôi trong văn và cái tôi ngoài đời của ông. Tôi dám nghĩ rằng, không ít người đã mê cái hình tượng này hơn cả chính cái văn của Nguyễn Tuân nữa. Bởi vì cái lối viết rất riêng của ông chưa hẳn đã hợp với khẩu vị của mọi người. Hợp thì rất mê, nhưng không hợp thì cũng dễ ngán lắm.

Nhưng hình tượng con người ông: tài hoa, uyên bác, đặt cái tài, cái đẹp, cái "Thiên lương" lên trên hết, trung thực, thẳng thắn, ghét cay ghét đắng sự thô bỉ, phàm tục, thói nịnh bợ và đạo đức giả - một nhân cách như thế, ai mà không kính trọng và mến yêu!

Nguyễn Minh Châu cho rằng, Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa rất chuẩn về người nghệ sĩ chân chính. Tôi cho đó là một nhận xét chính xác.